Trung Quốc bất an trước giờ phán quyết của Tòa Trọng tài
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan, sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Một trong các nội dung Manila kiện Bắc Kinh là yêu sách đường lưỡi bò, bao trọn hơn 80% diện tích Biển Đông, tương đương 3,6 triệu km vuông.
Cho đến nay, Bắc Kinh luôn phủ nhận thẩm quyền của PCA và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa. Hạn chế của toà PCA cũng là không có cơ chế cưỡng chế như Tòa hình sự Quốc tế.
Nhưng phán quyết của PCA sẽ gây nhiều tác động tới tranh chấp ở biển Đông cũng như đối với cách hành xử của Trung Quốc. Đáp trả lại phán quyết, Bắc Kinh có thể có những phản ứng khác nhau tùy vào mức độ phán quyết của tòa.
Phán quyết của tòa PCA dù không có cơ chế nào để buộc Bắc Kinh tuân thủ, nhưng nếu không tuân theo nó sẽ thành “phép thử” cho cộng đồng quốc tế thấy cam kết tuân thủ luật pháp và các công ước quốc tế trước nay của Trung Quốc có được tuân thủ đúng hay không.
Trung Quốc khởi xướng cuộc đua xây dựng các công trình trên Biển Đông khi họ dùng cát bồi lấp, xây đảo nhân tạo và trang bị trên các “đảo” này hệ thống radar và đường băng. Xây dựng rầm rộ nhưng nếu Tòa PCA tuyên bản án có lợi cho Philippines – chính quyền Tập Cận Bình sẽ bị đẩy vào “thế kẹt” khó ăn nói với dư luận trong nước.
Dù Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) không quy định rõ cách phân định chủ quyền ở các bãi đá chìm trên biển, nhưng Philippines đã có cách tiếp cận rất khôn khéo khi vận dụng UNCLOS để đưa Trung Quốc ra tòa.
Trung Quốc từng từ bỏ bất cứ xác lập chủ quyền nào trên Biển Đông khi họ đặt bút ký UNCLOS vào năm 1996, giai đoạn mà họ còn tuân thủ luật chơi quốc tế. Tuy nhiên những năm gần đây, Bắc Kinh “trở mặt” bác bỏ UNCLOS. Thậm chí với Tòa PCA là một trong những cơ chế phân xử theo luật pháp của UNCLOS, Bắc Kinh cũng trở mặt mỉa mai phiên xử vụ kiện của Philippines là “một trò hề”.
New York Times dẫn lời Lục Khảng – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “Chúng tôi không chấp nhận và sẽ không bao giờ công nhận nó”.
Thái độ này buộc Mỹ phải phản ứng khi Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên toàn cầu. Trước các động thái ngày càng ngang ngược của Bắc Kinh, chính quyền Obama đã tăng cường cho tàu chiến tuần tra trên Biển Đông và tăng cường quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực.
Gần đến ngày PCA phán quyết (12/7), Bắc Kinh ráo riết lôi kéo nhiều nước như Nga nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông đồng thời gây áp lực ngăn cản Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố chung về Biển Đông tại hội nghị ở Côn Minh. Gần đây, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng để ngỏ khả năng đàm phán song phương với Bắc Kinh về Biển Đông khi vụ xử của PCA do người tiền nhiệm của ông khởi xướng vẫn đang được tiến hành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo