Quốc tế

Trung Quốc chìa tay lúc Hy Lạp khốn khó

Trong khi vẫn chưa đạt dược thoả thuận với các đối tác trong Eurozone về gói cứu trợ, Hy Lạp cảnh báo tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Hy Lạp thất bại trong việc đạt thỏa thuận cứu trợ với châu Âu

 

Kết thúc cuộc họp khẩn cấp giữa các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kéo dài đến rạng sáng 12/2, Hy Lạp đã không đạt thỏa thuận với các đối tác trong khu vực về kế hoạch đàm phán lại gói cứu trợ thứ nhất. Hai bên nhất trí nối lại đàm phán vào đầu tuần tới.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp tại Brussels (Bỉ), người đứng đầu Eurogroup (nhóm các Bộ trưởng tài chính của Eurozone), ông Jeroen Dijsselbloem cho biết cuộc thảo luận diễn ra trên tinh thần xây dựng nhưng không đủ tiến triển để đi đến một thỏa thuận chung. Ông Dijsselbloem xác nhận các đối tác trong Eurozone sẽ tiếp tục thảo luận kế hoạch mới của Athens vào ngày 16/2 tới.

Theo đề xuất do Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yaris Varoufakis công bố tại cuộc họp, Athens sẽ thực hiện 70% cam kết cải cách mà Hy Lạp cam kết phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho nước này năm 2010, đồng thời yêu cầu các chủ nợ xem xét lại 30% cam kết còn lại.

Theo TTXVN, Athens còn muốn "đổi nợ lấy trái phiếu" để thúc đẩy kinh tế và quan trọng hơn là muốn một khoản vay "bắc cầu" từ nay đến tháng 9 tới nhằm có thêm thời gian soạn thảo các kế hoạch cải cách mới.

Hy Lạp cũng đề cập tới việc tăng lương tối thiểu, hủy bỏ thuế bất động sản không được dân chúng ủng hộ, đảo ngược các cải cách chính mà EU và IMF yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện như điều kiện nhận cứu trợ. Athens còn muốn chấm dứt sự giám sát của "Bộ ba" tham gia gói cứu trợ thứ nhất - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF, đối với khu vực tài chính của Hy Lạp.

Gói cứu trợ thứ nhất dành cho Hy Lạp sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/2 tới. Nếu gói cứu trợ này không được gia hạn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, một kết cục có thể đẩy nước này ra khỏi Eurozone. Chính phủ mới ở Hy Lạp khẳng định không muốn hạn gói cứu trợ thứ nhất, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán để đi đến một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của Eurozone, nhiều khả năng Hy Lạp sẽ ngả sang Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos cảnh báo Athens sẽ triển khai “Kế hoạch B” - có thể liên quan đến việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, Nga và Mỹ nếu cuộc đàm phán với khu vực đồng euro thất bại.

Ngay sau đó, ngày 11/2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gọi điện cho người đồng cấp Hy Lạp Alexis Tsipras. Sau khi ngỏ lời mời ông Tsipras đến thăm Bắc Kinh, ông Lý Khắc Cường còn bày tỏ mong muốn hai nước sẽ mở rộng hợp tác, phát triển các mối quan hệ lâu đời. Ông Lý cho biết các công ty Trung Quốc đang quan tâm chuyện đầu tư tại Hy Lạp. Hai ông cũng thảo luận về chuyến thăm của phái đoàn Hy Lạp tới Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến công du sau đó của Thủ tướng Tsipras.

Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo