Trung Quốc dẫn đầu các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong tháng 6/2018, xuất khẩu rau quả ước đạt 340 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả trong 6 tháng đầu năm, tương đương với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài Trung Quốc, trong 6 tháng qua, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục nhập khẩu rau quả của Việt Nam với số lượng lớn khi kim ngạch đạt tới 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và hơn 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu rau quả 6 tháng qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc có lợi thế về nhu cầu tiêu thụ, vị trí địa lý, tập quán cũng như thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, yêu cầu về chất lượng hàng hóa tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng nâng lên và đây là xu hướng chung trên thị trường thế giới.
Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam cần chú trọng tới việc tìm hiểu mùa vụ tại thị trường Trung Quốc, quy hoạch và phân bổ trồng các mặt hàng rau quả phù hợp và không trùng đúng vụ mùa của họ, tránh trường hợp “được mùa mất giá”.
Cũng theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng xuất khẩu hàng rau hoa quả của Việt Nam rất khả quan trong thời gian tới. Theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn trái ngày càng lớn.
Do đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần sản xuất theo nhu cầu và bám sát được vào các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó cần tích cực đổi mới công nghệ gieo trồng, giảm giá thành để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm rau quả xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines