Quốc tế

Trung Quốc đổ tiền "mua" báo chí Mỹ nói xấu Nhật Bản?

Trung Quốc đang đổ tiền để đăng các bài báo nói xấu Nhật Bản trên truyền thông Mỹ, theo chuyên gia nguời Nhật Jun Hashimoto sinh sống tại Washington DC.

Bài báo của

 

Want China Times cho hay trong bài bình luận đăng trên tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, ông Hashimoto nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, truyền thông Trung Quốc đã lần lượt cho đăng những ấn phẩm mang nội dung chống Nhật tại Mỹ thông qua các tờ báo lớn như Washington Post.

Dẫn kết quả nghiên cứu của chuyên san Columbia Journalism Review, ông Hashimoto cho biết ngân sách quảng cáo ra nước ngoài của Bắc Kinh đã lên tới 8,7 tỷ USD vào năm 2009 và mục tiêu chính là chuyển tải càng nhiều thông điệp "tấn công" Nhật Bản càng tốt.

Những lời bình luận của ông Hashimoto được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì buổi lễ kỷ niệm lần thứ 77 vụ "Thảm sát Nam Kinh" hôm 13/12. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tưởng niệm sự kiện này ở cấp quốc gia.

Thảm sát Nam Kinh, hay còn gọi là "Cưỡng hiếp Nam Kinh", là một tội ác chiến tranh do quân đội Nhật Bản tiến hành bên trong và xung quanh Nam Kinh khi thành phố này rơi vào tay Quân đội Thiên hoàng Nhật Bản vào ngày 13/12/1937. Trong khi chiếm đóng Nam Kinh, quân đội Nhật Bản đã thực hiện nhiều hành động tàn ác như hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá và hành quyết các tù binh chiến tranh cũng như thường dân.

Theo ông Hashimoto, ngay cả phụ trương "China Watch" trên tờ Washington Post cũng là do Bắc Kinh chi tiền ra mà có. Do mô hình đăng trên phụ trương "China Watch" được sản xuất gần như theo chuẩn trên các mục khác của Washington Post, khiến nhiều người đọc không thể nhận ra rằng đây là một phụ trương quảng cáo trả tiền.

Điển hình, ông Hashimoto đã nêu ra ví dụ về 6 trang trong phụ trương "China Watch" phát hành hôm 30/4. Trong đó, riêng trang đầu đã cho đăng những thông tin liên quan tới sự kiện "Thảm sát Nam Kinh". Bài báo cho rằng quân đội Nhật Bản đã thảm sát 300.000 người Trung Quốc. Song, các nhà lịch sử Nhật Bản khẳng định con số này cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Ngoài ra, bài báo này còn đăng tải chi tiết những câu chuyện liên quan tới các nhân chứng người nước ngoài xuất hiện tại Nam Kinh vào thời điểm đó bao gồm các doanh nhân Đức và mục sư người Mỹ. Theo Bắc Kinh, những người này đã tìm cách bảo vệ dân thường Trung Quốc bằng cách kêu gọi sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế cũng như lên tiếng chỉ trích sự tàn độc của binh lính Nhật Bản.

Theo chuyên gia Hashimoto, cuộc chiến lịch sử liên quan tới vụ "Thảm sát Nam Kinh" và số lượng người thiệt mạng lên tới 300.000 người chính là điểm mấu chốt nhạy cảm mà chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc muốn nhắm tới. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản lại muốn làm giảm bớt tính nghiêm trọng của vấn đề hay thậm chí là phủ nhận vụ thảm sát này.

Điều đáng nói, phụ trương China Watch trên tờ Washington Post lại không hề nhắc tới những vấn đề liên quan tới văn hóa hay hình ảnh những chú gấu trúc đặc trưng của Trung Quốc. Thay vào đó, phụ trương này lại chú trọng đăng tải những bài bình luận liên quan tới cuộc chiến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đồng thời phủ nhận chủ quyền lịch sử của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm "bôi nhọ" hình ảnh của Tokyo.

Ông Hashimoto cho rằng ngay cả China Daily, tờ báo Trung Quốc hiện đang được lưu hành tại Mỹ, cũng cho đăng tải những bài viết về "phô trương" tiểu sử của các nhà lãnh đạo nước này đồng thời tìm mọi cơ hội chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo ông Hashimoto, để giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chính phủ Nhật Bản cần phải hiểu rõ hơn về cuộc chiến truyền thông cũng như "ngoại giao văn hóa quảng cáo" của Trung Quốc.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn ti từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.

 

Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo