Trung Quốc đưa hàng áp sát người tiêu dùng
Hàng Trung Quốc đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều thương nhân Trung Quốc trực tiếp mang hàng sang bán sỉ, bán lẻ.
Đã có nhiều kho hàng, cửa hàng bán lẻ đồ chơi trẻ em, gốm sứ, nông sản, phụ tùng xe máy, ôtô... mọc lên ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Tiểu thương Việt Nam hay doanh nghiệp Việt Nam không cần phải sang Trung Quốc mua hàng mà có thể ngồi tại sạp để nhập hàng bán.
Bán sỉ, bán lẻ, đại hạ giá!
Cửa hàng gốm sứ Đức Cảnh Trần Trung Quốc nằm trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nằm trong khuôn viên rộng khoảng trên 100m2, bày đủ các loại bình gốm cỡ lớn nhỏ, bộ ly, bình trà, chén đĩa, tượng, tranh... Cửa hàng có hai kệ, mỗi kệ dài khoảng 15m, có ba tầng để chất đầy hàng. Lối đi chính giữa cũng để chen chúc các loại bình lớn nhỏ với đủ màu sắc, hoa văn, kiểu dáng.
Thương nhân Trung Quốc được phép kinh doanh, mở kho hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả với trường hợp kinh doanh “nay đây mai đó” cũng phải có giấy phép buôn chuyến. Thương nhân nước ngoài kinh doanh không có giấy phép, giấy phép buôn chuyến, bán hàng chui, sẽ bị phạt nặng hơn thương nhân Việt Nam nhiều lần. |
Chủ cửa hàng họ Hong, là một thương nhân trẻ người Trung Quốc. Vừa thấy khách bước vào, anh niềm nở: “Xin chào! Xem hàng, mua hàng đi.
Đang có đại hạ giá đó”. Khi được hỏi một chiếc bình gốm có chiều cao khoảng 30cm, nước men còn vụng về, Hong nhanh nhảu cho hay: “Bình này giá 300.000 đồng, nhưng hôm nay giảm giá còn 200.000 đồng. Mua đi, rẻ lắm!”.
Có thể giao tiếp về các vấn đề giá cả nhưng chưa thành thạo tiếng Việt, vào những lúc cao điểm, Hong thuê thêm một nữ nhân viên bán hàng người Việt Nam.
Theo nhân viên này, cửa hàng không bán cố định tại một địa điểm mà di chuyển thường xuyên, vì còn phụ thuộc vào thời gian chủ nhà cho thuê mặt bằng và lượng khách mua hàng.
Không những bán lẻ, cửa hàng này còn bán sỉ cho những khách hàng mua số lượng lớn, đặt trước và vận chuyển miễn phí cho những khách mua từ 10 sản phẩm trở lên trong khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Cách đó không xa, một cửa hàng gốm sứ khác cũng của thương nhân người Trung Quốc họ Từ được mọc lên trước sân vận động Quân khu 7. Nhân viên bán hàng ở đây cho biết mỗi ngày bán được khoảng ba triệu đồng. Cửa hàng này cũng không kinh doanh cố định mà theo kiểu “du mục”.
Mặc dù ông chủ người Trung Quốc nhưng làm thông qua Công ty Nam Hoa. Việc đăng ký kinh doanh, khai báo với cơ quan thuế sẽ do Công ty Nam Hoa chịu trách nhiệm. Ông chủ Từ chỉ việc chọn nơi nào thuận lợi, thuê địa điểm và bán hàng.
Tại một khu hàng đồ chơi trẻ em tập trung ở đường Trần Bình (chợ Bình Tây, Q.6), hàng loạt mẫu mã đồ chơi “made in China” bày biện la liệt. Nhiều chủ hàng cho biết trước đây nhận hàng đóng gói từ Trung Quốc gửi sang, nhưng nay nhận trực tiếp tại các kho bãi của người Trung Quốc ở TP. Hồ Chí Minh.
Khu vực này cũng có một kho hàng đồ chơi trẻ em của ông chủ người Trung Quốc họ Lai. Ông chủ Lai thuê tới bảy nhân viên làm công việc sắp xếp và bán hàng cho khách. Phía bên ngoài những thùng hàng đồ chơi đang được các nhân viên khuân vác tấp nập từ xe tải xuống.
Các loại đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc thu hút trẻ em VN - Ảnh: MINH ĐỨC |
Tìm thông tin trên Internet, chào mua tận nơi...
Nhiều người kinh doanh hàng nông sản biết đến Công ty TNHH N - chuyên kinh doanh các mặt hàng nấm xuất xứ Trung Quốc.Để tiện cho việc kinh doanh, một kho hàng được công ty này đặt bên hông chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM), trực tiếp phụ trách bán hàng là lãnh đạo công ty - một người đàn ông Trung Quốc trên 40 tuổi.
Các mặt hàng rất đa dạng, gồm nấm kim châm, nấm linh chi, nấm đông cô, nấm đùi gà, nấm bạch tuyết, bạch quả... Các thương nhân này chỉ trưng ra giới thiệu mỗi mặt hàng vài gói nhỏ, bày trên những thùng xốp màu trắng tinh, mới coóng. Sau khi xem hàng, thương lượng xong giá cả, ba nhân viên bốc dỡ của công ty sẽ vào kho lấy hàng ra cho khách.
Theo nhân viên bán hàng của công ty, hàng được nhập về từ Trung Quốc qua cảng Cát Lái, rồi vận chuyển thẳng ra kho để trữ lạnh, giữ tươi. Mỗi đêm kho này bán được hàng trăm thùng. Người mua là tiểu thương lấy về bán tại chợ lẻ. Từ 1g-2g cho đến 5g-6g sáng, hết người này đến người khác chất hàng lên xe đem về chợ lẻ.
Thương nhân Trung Quốc tự kiếm thông tin khách hàng trên Internet rồi đến tận nơi chào hàng. Sau đó các doanh nghiệp trong nước ra tận nơi xem hàng và thỏa thuận giá cả |
Đến sáng là hàng trong kho gần như được “giải phóng” hết. Nhờ việc lấy hàng tận gốc, quy mô bán hàng lớn, công ty kinh doanh thoải mái mà không lo bị kiểm tra, xử phạt, dẹp tiệm như một số thương nhân bán “chui” nên công ty đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ nấm ở TP. Hồ Chí Minh.
Ông H.M., chủ một doanh nghiệp buôn bán linh kiện ôtô tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết các thương nhân Trung Quốc trong lĩnh vực này thường mở kho xưởng chính ở những cửa khẩu lớn.
Sau khi giao dịch xong, chủ hàng người Trung Quốc còn thuê luôn đối tượng trung gian vận chuyển hàng hóa đến tận nơi cho doanh nghiệp mua hàng.
“Thương nhân Trung Quốc tự kiếm thông tin khách hàng trên Internet rồi đến tận nơi chào hàng. Sau đó các doanh nghiệp trong nước ra tận nơi xem hàng và thỏa thuận giá cả, thương lượng xong đặt cọc 30%, 70% còn lại thanh toán khi hàng được vận chuyển đến nơi” - ông M. cho hay.
Tuy nhiên theo ông H.M., cần cảnh giác khi giao dịch với các thương nhân Trung Quốc vì có một số đối tác lừa đảo. Trong 3-4 đơn hàng đầu, họ giao hàng đàng hoàng nhưng đến đơn hàng thứ 5 sẽ bắt chuyển tiền trước đủ 100% giá trị lô hàng. Sau đó có thể họ chạy mất hút, hoặc vận chuyển hàng dỏm. Công ty của ông đã nhiều lần nhận phải hàng không đúng chất lượng hoặc hàng lỗi...
Lời như kinh doanh hàng Trung Quốc
Theo một số tiểu thương tại chợ Bình Tây (Q.6, TP. Hồ Chí Minh), các sạp bán mặt hàng giỏ, túi xách, ví cầm tay nam nữ xuất xứ Trung Quốc đang trúng lớn. Chị Tuyết, chủ một sạp túi xách, khẳng định hàng Trung Quốc thường được gia công với giá khá rẻ, các chủ sạp chỉ việc nhập hàng ngay trong nước nên khi bán sỉ cho các mối thường có lời khá lớn.
Tại chợ này, sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn, phần còn lại là hàng gia công trong nước. Các sản phẩm túi xách với đầy đủ mẫu mã, nhiều nhãn hiệu như LV, Hermes, Nike, Adidas… Hàng được chất đầy các sạp, rất nhiều kiện hàng nằm ngổn ngang, liên tục được gửi đi cho các mối tại chợ, đi các tỉnh.
Chủ sạp Phương Trúc cho biết các loại túi xách Trung Quốc ở chợ này đều được một số chủ mối người Trung Quốc tại khu vực Q.5, Q.6 (TP.HCM) nhập về. Giá thì vô chừng, muốn mua loại nào cũng có. Theo chủ sạp này, thay vì phải nhập hàng tận ngoài cửa khẩu, thời gian gần đây rất nhiều sạp đã tận dụng kênh phân phối hàng hóa từ các đầu mối Trung Quốc đưa hàng đến giới thiệu tận chợ, hoặc đến ngay các kho trong thành phố nhập hàng.
Dũng Tuấn |
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững