Quốc tế

Trung Quốc “mềm nắn rắn buông”

Chỉ 2 ngày sau khi mạnh miệng yêu cầu Nga nhanh chóng thả 2 tàu cá và 36 ngư dân bị bắt, Trung Quốc đã đấu dịu, kêu gọi giải quyết vụ việc “trên cơ sở tình hữu nghị”
Liên quan đến vụ 2 tàu cá Trung Quốc bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nga bắt giữ do xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này trên biển Nhật Bản, Tân Hoa Xã ngày 21-7 đưa tin Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với Moscow để “tìm ra giải pháp đúng đắn và nhanh chóng”.
 
Gọi đây là “trường hợp bất ngờ và cá biệt”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh hy vọng có thể xử lý vụ việc trên cơ sở tình hữu nghị hai nước “một cách khách quan và bình tĩnh”. Ngoài ra, ông Hồng Lỗi cho biết đang tham vấn Nga để thiết lập kênh phản ứng và hợp tác để ngăn chặn các trường hợp tương tự làm ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Phản ứng của Trung Quốc được đánh giá là mềm mỏng bất ngờ bởi trước đó 2 ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình phát biểu “rất không hài lòng” trước việc tàu tuần tra Nga nổ súng vào một tàu cá Trung Quốc, làm một ngư dân nước này mất tích.

 

Thứ trưởng Trình thậm chí còn yêu cầu Moscow phải nhanh chóng thả các tàu cá cùng ngư dân cũng như bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với họ trong lúc bị bắt giữ.

 

Nguyên nhân của sự xuống nước này có thể bắt nguồn từ bản tin phát ngày 20/7 của Interfax (Nga), cho biết Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt đầu xem xét vụ án hình sự liên quan đến 2 thuyền trưởng Trương Tân Kỳ (tàu cá Chiết Đài Ngư 8695) và Khâu Hiểu Minh (tàu Lỗ Vinh Ngư 80-117) vì tội xâm phạm vùng EEZ của Nga.

 

Hai tàu cá bị bắt trên đều của thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông và đang bị giữ ở cảng Nakhodka. Theo Interfax, tàu cá Lỗ Vinh Ngư 80-117 xâm phạm hẳn bên trong vùng EEZ của Nga ở vùng Viễn Đông ngày 16/7. Bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nga phát hiện, tàu này quay đầu bỏ trốn và va chạm với tàu tuần tra Nga, khiến một ngư dân Trung Quốc mất tích.
 
Sau đó, tàu Nga đã nổ súng vào tàu Lỗ Vinh Ngư 80-117, bắt giữ tàu này cùng 17 ngư dân còn lại. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định chỉ bắn vào mạn thuyền và còn tố cáo thuyền trưởng Khâu Hiểu Minh bỏ mặc thuyền viên mất tích để thoát thân. Trước đó, ngày 15/7, Nga bắt giữ tàu cá Chiết Đài Ngư 8695 cùng 19 thuyền viên với cùng lý do xâm phạm hải phận.
 

Ngoài 2 tàu cá trên, đài Phượng Hoàng của Hồng Kông dẫn lời các quan chức Nga xác nhận đang giữ chiếc tàu thứ 3 của Trung Quốc, cũng tại cảng Nakhodka. Con tàu này bị bắt được khoảng một năm cùng 18 thủy thủ.

 

Tuy được cung cấp nước uống và thực phẩm đầy đủ nhưng các thủy thủ trên không có sự hỗ trợ từ Lãnh sự quán Trung Quốc. Đài Phượng Hoàng không nói rõ nguyên nhân tàu Trung Quốc bị bắt.

 

Ai sẽ mua quần đảo Senkaku?

 

Gia tộc Kurihara, những người sở hữu 4 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, cho biết đang đàm phán với chính quyền thủ đô Tokyo. Phát biểu với các phóng viên vào cuối tuần trước, doanh nhân Hiroyuki Kurihara, 65 tuổi - đại diện gia tộc, nói rằng Tokyo sẽ là lựa chọn đầu tiên của gia đình ông để bán các hòn đảo, miễn là chính quyền thủ đô không bán lại cho các tập đoàn tư nhân.

Điều đặc biệt ở đây là gia tộc Kurihara đã “phớt lờ” Chính phủ Nhật Bản, đơn vị hành chính cao hơn thủ đô Tokyo, trong cuộc chạy đua mua đảo với lý do Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đặt vấn đề trước, vào tháng 4/2012, trong khi Thủ tướng Yoshihiko Noda “chậm chân” hơn, đến đầu tháng 7 mới công bố kế hoạch quốc hữu hóa Senkaku.

Việc Nhật kiên quyết mua lại quần đảo Senkaku là động thái mới nhất gây căng thẳng quan hệ với Trung Quốc, vốn luôn tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku mà họ gọi là Điếu Ngư.

Philippines không khoan nhượng Trung Quốc

 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 23/7 đã tỏ ra không lay chuyển trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền của Manila ở biển Đông (Philippines gọi là biển Tây), đồng thời thông báo kế hoạch tăng cường khả năng quân sự.

Phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Philippines lần thứ 3 kể từ khi đắc cử tổng thống vào năm 2010, ông Aquino yêu cầu nhân dân Philippines thống nhất với nỗ lực của chính phủ để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. “Nếu có ai đó bước vào sân nhà bạn và nói với bạn rằng cái sân là của anh ta, bạn có đồng ý không? Giao những gì hoàn toàn thuộc về chúng ta (cho người khác) là điều không thể. Và vì thế, tôi kêu gọi sự đoàn kết trong nhân dân chúng ta về vấn đề này. Chúng ta hãy nói một tiếng nói”- ông Aquino nhấn mạnh.

Biển Đông đã trở thành điểm nóng quân sự tiềm tàng lớn nhất châu Á khi việc tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với một vùng biển rộng lớn gặp phải phản ứng gay gắt của Việt Nam và Philippines. Theo Reuters, ông Aquino nói Philippines đã tỏ ra kiềm chế bằng cách rút tàu hải quân ra và thay vào đó một tàu dân sự khi các tàu cá Trung Quốc đến bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo Luzon của Philippines 124 dặm về phía Tây. Philippines khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

“Yêu cầu người khác tôn trọng quyền của chúng ta đúng như chúng ta tôn trọng quyền của họ thì đâu phải là đòi hỏi quá đáng” - ông Aquino lưu ý và khẳng định thêm rằng với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước, ông phải bảo vệ luật.

Ông Aquino cũng thông báo kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 1,8 tỉ USD, trong đó bổ sung một tàu chiến tân trang, các máy bay C-130, máy bay trực thăng phục vụ và chiến đấu, thiết bị thông tin liên lạc, súng trường và súng cối. Ông Aquino cho rằng đưa ra kế hoạch trên không phải Philippines chọn đối đầu hay dọa dẫm mà nhằm đạt đến hòa bình.
Tường Minh

 

 

 

Theo NLĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo