Quốc tế

Trung Quốc muốn gì ở châu Âu và Nam Mỹ?

Từ lâu, người ta đã nói về những chính sách của Trung Quốc nhằm “cắm rễ” tại châu Phi, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Gần đây, Trung Quốc lại có những động thái mới ở cả châu Âu và Nam Mỹ. Vậy mục đích của cường quốc kinh tế số hai thế giới ở hai châu lục này là gì?


 
Động cơ “hỗ trợ” châu Âu



Theo mạng tin "Project syndicate," trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng ngân hàng tại châu Âu đang đe dọa thế giới, các biện pháp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng châu Âu và khuyến khích sự hội nhập tài chính đã bắt đầu có tác dụng.

 

Tuyên bố bế mạc của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và nền kinh tế mới nổi G-20 được tổ chức tại Los Cabos (Mexico) khẳng định rằng các nước dư thừa tài chính đang chuẩn bị đưa ra chương trình kích thích kinh tế nếu tăng trưởng suy yếu.

 

Một trong những kết quả của hứa hẹn này là những cam kết tăng vốn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để thể chế này có "hỏa lực tài chính" hành động trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

 

Các nước thuộc nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đều là thành viên của G-20 và hiện chiếm tới 43% dân số thế giới và 18% kinh tế thế giới. Phần trách nhiệm quốc tế của họ đã được tiết lộ tại hội nghị tại Los Cabos rằng Trung Quốc đóng góp cho IMF 43 tỷ USD; Brazil, Nga và Ấn Độ là 10 tỷ USD; và Nam Phi là 2 tỷ USD. Mexico, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20, cũng cam kết đóng góp 10 tỷ USD.
 


Sự hợp tác mới này của quốc tế, tất nhiên là để bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng nước nào có tiền đóng góp cũng có nghĩa là có một tiếng nói nhất định, và các nước BRICS đang thúc giục cải cách việc bỏ phiếu tại IMF. Các nước này cũng đang ngày càng tăng cường việc đề nghị trao đổi tiền với các nước gặp khó khăn về kinh tế.

 

Tuy nhiên, nhiều nước cũng đang củng cố các lập trường riêng của họ, mà rất ít đếm xỉa đến ảnh hưởng của hành động của họ đối với hệ thống tài chính quốc tế.


Tích cực nhất trong số các quốc gia này là Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh có thể sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 3,3 nghìn tỷ USD để thúc đẩy các lợi ích của họ ở khắp nơi trên thế giới.

 

Ví dụ, mặc dù Trung Quốc làm rất ít để củng cố bảng quyết toán của Chính phủ Hy Lạp, song cách tiếp cận tích cực của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng Hy Lạp là đáng chú ý. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thăm Hy Lạp vào tháng 10/2010 và nhất trí tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với Hy Lạp trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp khi đó là ông George Papandreou, một sự hỗ trợ kịp thời mà chính phủ Hy Lạp đang suy yếu đã rất vui mừng đón nhận.



Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, về lâu dài, hình thức hỗ trợ của Trung Quốc đối với Hy Lạp dường như sẽ làm lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn Athens, nơi được Trung Quốc miêu tả là một "cửa ngõ" của họ vào châu Âu.

 

Hiện tại, Công ty vận tải biển Trung Quốc (COSCO) đã giành được quyền quản lý bến tàu thứ hai tại cảng Piraeus, một trong những cảng biển tấp nập nhất thế giới, với giá 3,5 tỷ Euro, và đang mua một cơ sở bốc dỡ xe hàng và trung tâm bao bì ở ngoại ô Piraeus.

 

Công ty này cũng đang bày tỏ ý định mua lại 23% cảng Piraeus và đang tìm cách mua hoặc thuê các cảng biển trên đảo Crete. Mặc dù nỗ lực mua cảng côngtennơ Thessaloniki của COSCO đã vấp phải sự phản đối của địa phương, các nhà đầu tư Trung Quốc đang thương thuyết với Chính phủ Hy Lạp để thuê một khu vực tại sân bay quốc tế Athens với giá 500 triệu euro trong 20 năm (2026-2046).

 

 Công ty COSCO đã giành được quyền kiểm soát bến tàu thứ hai của cảng Piraeus

 

Trung Quốc có thể trông giống một "Hiệp sĩ Áo trắng" đối với Hy Lạp, quốc gia vẫn sa lầy trong khủng hoảng tài chính và suy thoái nghiêm trọng; nhưng đó cũng là một cơ hội hoàn hảo cho Trung Quốc thúc đẩy lợi ích riêng của họ khắp thế giới. Thay vì sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ để thúc đẩy hệ thống quốc tế, Trung Quốc được chọn mua các tài sản chiến lược với giá rẻ.

 

Trong gần một thập kỷ qua, nhiều người đã băn khoăn về cách thức Trung Quốc sẽ sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ, nhất là việc liệu Trung Quốc có thách thức quyền lực tối cao của đồng USD hay không.

 

Giờ đây, dường như rõ ràng là Trung Quốc có ý định sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ này để thúc đẩy chiến lược địa chính trị toàn cầu riêng của họ, chứ không phải củng cố hệ thống quốc tế, đã tạo điều kiện cho 3 thập kỷ hưng thịnh kinh tế của họ.



Khi các chính phủ và người dân khắp thế giới bắt đầu nhận thức được về ảnh hưởng mà Trung Quốc có thể mua được nhờ túi tiền rủng rỉnh của họ, liệu một phản ứng dữ dội chống Trung Quốc là không tránh khỏi? Hay có một số nước, đã sợ khủng hoảng tài chính đến mức họ không quan tâm tiền trả cho bữa ăn sắp tới của họ đến từ đâu?

 

Thời gian sẽ trả lời những câu hỏi trên, nhưng sự nguy hiểm là sự ngạo mạn của Trung Quốc đang bắt đầu mở rộng sang tài chính toàn cầu.

 

Thủ tướng Ông Gia Bảo (phải) trong chuyến thăm lịch sử tới Chile



Mục đích tăng cường tiếp cận Nam Mỹ

 

Trong khi đó, thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh quan hệ với các nước Nam Mỹ thông qua đề xuất mở rộng Hiệp định Hợp tác Nông nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trong bối cảnh nhu cầu lương thực trong nước ngày càng tăng.



Theo tờ "Nihong Keizai" của Nhật Bản, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thăm và phát biểu tại trụ sở Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribbe (ECLAC), trong đó đề xuất các nước Nam Mỹ tăng cường hợp tác về nông nghiệp với Trung Quốc, cụ thể là xây dựng các kho lương thực khẩn cấp 500.000 tấn tại Nam Mỹ.

 

Chi tiết kế hoạch dự trữ lương thực sẽ được tiếp tục bàn thảo, song có thể hình dung rằng, nó sẽ hoạt động theo hình thức các nước Nam Mỹ sẽ tích trữ 500.000 tấn lương thực gồm ngô, đậu nành và lúa mì để cung cấp cho Trung Quốc. Giả sử toàn bộ 500.000 tấn lương thực được qui đổi ra ngô thì sẽ chiếm 28% tổng số lượng nhập khẩu ngô năm 2011 của Trung Quốc, hoặc 39% lượng nhập khẩu lúa mì nếu được tích trữ dưới dạng lúa mì.

 

Do lo ngại sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức 500.000 tấn trong thời gian đầu, nhưng sẽ tìm cách đẩy mạnh mở rộng qui mô tích trữ trong thời gian tiếp theo. Đổi lại, Ngân hàng Phát triển Quốc gia Trung Quốc sẽ đầu tư 10 tỷ USD để hỗ trợ khu vực phát triển hạ tầng cơ sở.

 

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng bày tỏ mong muốn tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và khu vực Nam Mỹ lên mức 40 tỷ USD, gấp 2 lần qui mô hiện nay.



Để bàn thảo chi tiết đề xuất này, Trung Quốc kêu gọi sớm tổ chức các phiên thảo luận cấp chính phủ định kỳ và phiên họp đầu tiên có thể được tổ chức vào năm 2013. Theo một quan chức Chính phủ Trung Quốc, dường như các nước Nam Mỹ sẽ chấp thuận đề xuất của Bắc Kinh.

 

Trong chuyến thăm các nước Nam Mỹ vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã ký kết các Hiệp định Hợp tác Nông nghiệp mở rộng với Brazil, Uruguay, Argentina và Chile, đồng thời đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác nông nghiệp với 50 triệu USD để xây dựng một số viện nghiên cứu lương thực nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp tại khu vực.

 

Ngoài khoản đầu tư 10 tỷ USD trên, Trung Quốc cũng sẽ thành lập quỹ đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án khác nhau tại Nam Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ bổ sung 2 tỷ USD cho dự án hiện đại hóa đường sắt nối khu vực sản xuất đậu nành lớn ở Argentina tới vùng ven biển, nơi có các cảng biển lớn dùng để xuất khẩu.

 

Những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm biến Nam Mỹ thành trọng điểm cung cấp lương thực cho mình mặc dù nơi đây từng được coi là "sân sau của Mỹ".


Trên thực tế, Trung Quốc là một nước lớn về nông nghiệp và đủ khả năng tự cung cấp lương thực, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu lương thực-thực phẩm đang tăng nhanh do có sự thay đổi về thói quen ăn uống và tiêu dùng. Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu-phát triển thuộc Chính phủ Trung Quốc, nước này sẽ phải nhập khoảng 22,2 triệu tấn lương thực vào năm 2020, tăng mạnh so với mức 9,76 triệu tấn vào năm 2010, và sẽ vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới.



Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhập nhiều đậu nành, ngô từ Mỹ trên quan điểm chú trọng cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tranh chấp về thương mại và vấn đề đồng nhân dân tệ liên tục xảy ra, có nhiều ý kiến trong nội bộ Trung Quốc cho rằng cần phân tán các địa điểm nhập khẩu lương thực, tránh phụ thuộc nhiều vào Mỹ để đảm bảo an ninh lương thực.

 

Ngoài ra, giá lương thực của Mỹ cũng đang có chiều hướng tăng khi hạn hán liên tục xảy ra tại các vùng sản xuất nông nghiệp.



Trong điều kiện đó, việc tạo ra các khuôn khổ mới cung cấp lương thực sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời đạt được bước tiến lớn trong việc thúc đẩy quan hệ với Nam Mỹ và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.

 

Tuy nhiên, việc làm này của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới hai khu vực cũng nhập khẩu nhiều lương thực từ Nam Mỹ là Trung Đông và Đông Nam Á.
 

 

Theo PL&XH

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo