Trung Quốc phá giá tiền tệ: Các thị trường đang tự điều tiết và ổn định trở lại
Thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ, ngày 11/8/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (NHNDTQ) áp dụng cơ chế xác định tỷ giá tham chiếu mới, theo đó, NHNDTQ công bố tỷ giá tham chiếu hằng ngày trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng trên cơ sở tỷ giá đóng cửa bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước.
Theo đó, các ngân hàng được phép giao dịch trong biên độ ±2% xung quanh tỷ giá tham chiếu do NHNDTQ công bố. Việc điều chỉnh tỷ giá và thay đổi cơ chế tỷ giá của NHNDTQ đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường của Trung Quốc, quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường đang tự điều tiết để làm quen với cơ chế này và đang dần có sự ổn trở lại.
Sau khi NHNDTQ chủ động điều chỉnh hạ giá 1,9% đồng nhân dân tệ (CNY) theo mục tiêu điều hành vào ngày 11/8, thì liên tiếp sau đó, đồng CNY tiếp tục giảm giá 1,6% trong ngày 12/8 và 1,1% trong ngày 13/8. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, đồng CNY đã mất giá tổng cộng 4,6%, làm dấy lên lo ngại rằng tỷ giá đồng tiền này sắp tới sẽ rơi tự do.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trong 4,6% mất giá của CNY trong 3 ngày vừa qua thì chỉ có 1,9% là do NHNDTQ chủ động điều chỉnh hạ giá, còn lại là do thị trường tự phản ứng và có phần quá đà khi chưa kịp thích nghi với cơ chế tỷ giá mới. Đây là diễn biến bình thường vì khi NHNDTQ thay đổi cơ chế công bố tỷ giá, thị trường cần có thời gian điều chỉnh để đạt đến điểm cân bằng và trong ngắn hạn tỷ giá CNY/USD sẽ có những biến động nhất định.
Theo đánh giá của chuyên gia Christy Tan đến từ ngân hàng National Australia Bank, mục tiêu NHNDTQ là thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá cố định và tỷ giá trên thị trường, tuy nhiên tỷ giá vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những lực phi thị trường làm cho biến động tăng lên quá cao trước khi dần ổn định trở lại.
Điều này cũng phù hợp về mặt lý thuyết, bởi lẽ nếu đồng CNY giảm giá quá mạnh sẽ làm các dòng vốn tháo chạy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn. Bên cạnh đó, việc phá giá gây sốc liên tục trong ba ngày 11-13/8 có thể tạo hiệu ứng tâm lý và làm tăng lạm phát trong nước, trung hòa tác động của lần phá giá lên tỷ giá thực (exchange rate pass through), đồng thời tạo hiệu ứng phản ứng dây chuyền của các nước khác cùng điều chỉnh tỷ giá để duy trì lợi thế cạnh tranh (như đã diễn ra ngay trong ngày 11-12/8), do đó sẽ nhanh chóng làm mất đi tác động của việc phá giá và không có tác động tích cực đáng kể nào lên xuất khẩu.
Bản thân NHNDTQ cũng cho thấy họ không muốn việc phá giá đồng CNY vượt tầm kiểm soát rơi vào vòng xoáy giảm giá. Tại cuộc họp báo ngày 13/8, Phó Thống đốc NHNDTQ cho rằng điều chỉnh trong những ngày qua đã vượt qua mức chênh lệch giữa tỷ giá tham chiếu và kỳ vọng tỷ giá trên thị trường là 3%, do đó không có cơ sở để tiếp tục giảm mạnh và đồng CNY sẽ dần phục hồi sau khi bị giảm trong 3 ngày gần đây.
Để hạn chế mức giảm giá của CNY, NHNDTQ đã có các động thái can thiệp bán ngoại tệ thông qua một số NHTM nhà nước, đồng thời trên website của cơ quan này đưa ra khẳng định CNY sẽ không tiếp tục giảm giá do diễn biến kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển tốt, cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, xu hướng quốc tế hóa CNY và mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc và dự trữ ngoại hối rất lớn là nền tảng hỗ trợ rất tốt cho đồng CNY ổn định. Nhờ đó, tốc độ giảm giá của đồng CNY chậm lại từ mức 1,9% ngày 11/8 xuống còn 1,6% ngày 12/8, 1,1% ngày 13/8 và tăng 0,055% vào ngày 14/8.
Trên thị trường tài chính quốc tế, việc đồng CNY giảm giá có những tác động tiêu cực do Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới và là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của nhiều nước.
Ngay sau khi NHNDTQ điều chỉnh 1,9% tỷ giá tham chiếu trong ngày 11/8, các đồng tiền Châu Á đã đồng loạt giảm giá, khoảng 0,5-2% so với USD. Tuy nhiên, từ ngày 12/8 đến nay, mức độ giảm giá của các đồng tiền này đã chậm lại và đến chiều ngày 13/8/2015, một số đồng tiền chủ chốt khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tăng giá trở lại so với đồng USD như Australia (+0,1%), New Zealand (+0,05%), Hong Kong (+0,05%), Singapore (+0,41%), Thái Lan (0,26%), cho thấy thị trường đang dần quen với việc tỷ giá của Trung Quốc biến động thường xuyên và dần ổn định trước những biến động này. Thị trường chứng khoán các nước cũng có những diễn biến tích cực, sau ngày hai ngày giảm thì đến ngày 13/8, các khu vực cả Châu Âu và Châu Á tăng điểm trở lại, như Nhật Bản tăng 0,99%, Mỹ tăng 0,15%, Hồng Kong tăng 0,43%, Singapore tăng 1,03%, Indonesia tăng 2,5%, Hàn Quốc tăng 0,4%, đặc biệt Trung Quốc tăng 1,76%.
Theo nhận định của Vụ chính sách Tiền tệ, việc thay đổi cơ chế tỷ giá của Trung Quốc bước đầu đã có tác động khá mạnh nhưng thị trường ngoại hối của Trung Quốc và thị trường tài chính quốc tế đều đã có sự điều chỉnh từng bước để thích ứng với có chế mới.
Cùng xu hướng này, tỷ giá và thị trường ngoại hối Việt Nam cũng sẽ dần thích nghi với biến động hàng ngày của tỷ giá USD/CNY, do đó việc nới biên độ tỷ giá thêm 1% vừa qua của NHNN là đủ lớn để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước diễn biến mới của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới, trong khi vẫn đảm bảo sự nhất quán, ổn định trong điều hành, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo