Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của PCA về Biển Đông
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe yêu cầu thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường tôn trọng phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế, Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết. Phát biểu trên được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 11 tại Mông Cổ. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên trong năm nay giữa hai nước kể từ cuộc hội đàm tháng 11/2015.
Trong một diễn biến khác, luật sư trưởng đoàn Philippines Jose Calida ngày 15/7 khẳng định, phán quyết của PCA đã vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và khôi phục lòng tin vào luật pháp quốc tế.
"Điều này khẳng định rằng, không một quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Phán quyết là chiến thắng lịch sử không chỉ đối với Philippines mà còn giúp vực dậy lòng tin của nhân loại vào các quy tắc trật tự toàn cầu có cơ sở pháp lý", ông Calida phát biểu tại một diễn đàn về vấn đề Biển Đông.
"Chiến thắng này sẽ mở ra một chân trời mới cho những bên liên quan. Nó cũng là niềm vinh quang tột đỉnh của luật pháp quốc tế", vị luật sư nói thêm.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp của các quan chức châu Á và châu Âu tại Mông Cổ, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết, Malina "cương quyết khẳng định sự tôn trọng với phán quyết mang tính dấu mốc này, đồng thời kêu gọi mọi người nên "kiềm chế và tỉnh táo".
Như tin đã đưa, sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ở The Hague đã phán quyết về vụ kiện của Philippines với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Theo đó, Toà Trọng tài tuyên bố yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, và bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngay lập tức sau đó Bắc Kinh đã tuyên bố "không chấp nhận và không công nhận" phán quyết từ PCA. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia, tổ chức khác đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của tòa trọng tài, cho rằng quyết định của tòa án quốc tế có giá trị làm nền tảng, giúp thúc đẩy các bên chấm dứt tranh chấp bằng việc cùng nhau giải quyết bất đồng thông qua luật pháp quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo