Quốc tế

Trung Quốc phát hành sách về đảo tranh chấp với Nhật

Trung Quốc ngày 4-12 đã xuất bản một cuốn sách khổ nhỏ về quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà họ gọi là Điếu Ngư, còn Nhật gọi là Senkaku, báo China Daily cho biết.

Cuốn sách này liệt kê tên bằng tiếng Trung của 71 đảo trên quần đảo cũng như một số chỉ dẫn địa lý ở xung quanh vùng biển quần đảo này, dẫn lời Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA).

Cuốn sách cung cấp chi tiết chiều dài, chiều rộng, diện tích, địa điểm, các họa đồ, ảnh hiện trạng và đồ họa ba chiều của 71 hòn đảo. Trong đó, Trung Quốc khẳng định quần đảo Điếu Ngư là phần lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 4-12, Nhật Bản thông báo một tàu hải giám Trung Quốc lại tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp, ở lại đó 10 phút tước khi rời đi. Kyodo News nói đây là lần thứ 13 kể từ khi chính quyền Tokyo quốc hữu hóa ba trong năm quần đảo hồi tháng 9, một tàu của Trung Quốc xuất hiện trong vùng nước gần quần đảo, lần đầu tiên là vào ngày 20-11.

Thông tin từ trụ sở Cơ quan tuần duyên khu vực 11 ở Naha, Nhật Bản cho biết các tàu hải giám 46, 49, 66 và 137 của Trung Quốc đã dừng lại ngay bên ngoài vùng biển mà Nhật tuyên bố chủ quyền. Sau đó tàu hải giám 46 tiến vào gần đảo Minamikojima vào lúc trưa 4-12.

Trước đó, Trung Quốc nói họ phản đối một sửa đổi trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 2-12 về quyền tài phán của Nhật đối với quần đảo Senkaku. “Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và phản đối mạnh mẽ sửa đổi của Thượng viện Mỹ với Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật liên quan tới đảo Điếu Ngư và các đảo bên cạnh”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Sửa đổi của Thượng viện Mỹ nói những cuộc tấn công quân sự vào “các vùng lãnh thổ do Nhật đang tài phán trên thực tế” được tính vào trong hiệp ước, hành động mà Trung Quốc gọi là “đơn phương của một bên thứ ba”. Ông Hồng Lỗi nói Hiệp ước Mỹ - Nhật là “sản phẩm của tư duy chiến tranh lạnh” và không nên đi ra ngoài mối quan hệ song phương hay làm ảnh hưởng tới lợi ích của một bên thứ ba khác.

“Trong khi Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo Senkaku, Mỹ ý thức là Nhật Bản đang kiểm soát đảo này trên thực tế - sửa đổi hiệp ước của Mỹ nói - Những hành động đơn phương của một bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng tới nhận thức của Mỹ về sự tài phán trên thực tế của Nhật Bản với quần đảo”.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo