Trung Quốc phát triển radar lượng tử chuyên phát hiện ICBM
Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) hồi tuần trước tuyên bố radar lượng tử thế hệ hai của Bắc Kinh sẽ có khả năng bám bắt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên vũ trụ, cũng như các phi cơ hoạt động ở độ cao cực lớn, SCMP đưa tin.
"Bằng cách gắn radar lượng tử lên một thiết bị bay gần không gian, quân đội Trung Quốc có thể giám sát những vật thể có tốc độ cao ở thượng tầng khí quyển và cao hơn. Công nghệ radar lượng tử đã hoàn thiện về mặt lý thuyết và bước vào giai đoạn chế tạo thử nghiệm", đại diện CETC phát biểu trong một triển lãm tại Nam Kinh.
Các hệ thống radar lượng tử được Trung Quốc đầu tư phát triển để đối phó với máy bay tàng hình của Mỹ và đồng minh. Bắc Kinh coi phi cơ tàng hình là mối đe dọa nghiêm trọng và tìm mọi cách để vô hiệu hóa lợi thế của chúng.
Cuối năm 2016, CETC tuyên bố thử nghiệm thành công radar lượng tử ở tầm 100 km, gấp 5 lần những thiết bị cùng loại do Mỹ và Đức phát triển. Dù khoảng cách này không quá lớn, nó vẫn cho phép lực lượng phòng không triển khai chiến đấu nhanh và hiệu quả hơn trước máy bay tàng hình đối phương.
Sản phẩm này ứng dụng nguyên lý "rối lượng tử", trong đó tạo ra số lượng lớn cặp photon để bắn ra không khí. Sự thay đổi của một photon sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới photon còn lại, bất kể khoảng cách giữa hai photon này. "Radar lượng tử có thể thu thập các thông tin quan trọng về mục tiêu, bao gồm hình dạng, vị trí, tốc độ, nhiệt độ hay thậm chí là thành phần hóa học trên lớp sơn của nó", đại diện CETC cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả các nhà khoa học Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của CETC. Nhà vật lý Ma Xiaosong ở đại học Nam Kinh cho biết photon phải ở một số trạng thái nhất định mới có thể áp dụng nguyên lý rối lượng tử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo