Trung Quốc: Tham vọng mua cả thế giới
Với ước tính khoảng 4 ngàn tỷ USD (2,7 ngàn tỷ bảng Anh) dự trữ ngoại tệ được cất trữ an toàn trong các quỹ tài sản có chủ quyền khác nhau, Trung Quốc có rất nhiều tiền mặt để vung tiền ra mua sắm mọi thứ trên thế giới.
Mạnh tay chi tiền
Trung Quốc đầu tư hàng năm ở nước ngoài đã tăng gấp tám lần trong 10 năm qua, đạt hơn 140 tỷ USD vào năm 2013. Trong năm 2014, với vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong nửa đầu năm thấp hơn so với một năm trước đó, chủ yếu là do sự sụt giảm trong chi tiêu cho các dự án năng lượng. Nhưng sự tụt giảm này có khả năng chỉ là gián đoạn tạm thời, rất ngắn, lý do đơn giản là sự tăng trưởng dân số và quan trọng hơn, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đồng nghĩa với việc sự tham lam của Trung Quốc đối với các nguồn lực sẽ tiếp tục phát triển.
Mỹ là quốc gia đã nhận được khoản đầu tư lớn nhất từ tiền của Trung Quốc trong thập kỷ qua, phần lớn đến từ sự bùng nổ của làn sóng đầu tư từ năm 2012 tới năm 2014 với tổng số tiền là 72 tỷ USD, còn Australia là điểm đến số một của Trung Quốc trong 10 năm trước đó, với số tiền là 61 tủ USD. Xếp sau đó là Canada với 39 tỷ USD đã được Trung Quốc rót vào đầu tư; Brazil là 31 tỷ USD; Indonesia là 31 tỷ USD; Anh là 24 tỷ USD, Kazakhstan là 24 tỷ USD; Nga là 21 tỷ USD… Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2014, đầu tư của Trung Quốc ở Anh đã gần ngang bằng ở Mỹ, điều đó củng cố vị trí của Anh là quốc gia Châu Âu được Trung Quốc yêu thích đầu tư vào.
Trung Quốc đã đầu tư và ký kết hợp đồng trên toàn thế giới, nhưng Châu Phi là nơi Trung Quốc đặc biệt tập trung sự quan tâm. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã làm ăn kinh doanh tại 34 quốc gia Châu Phi. Trong đó, Nigeria đứng đầu bảng tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc với số vốn hơn 21 tỷ USD, xếp sau là Ethiopia và Algeria với lượng tiền đầu tư thu hút hơn 15 tỷ USD. Angola và Nam Phi, mỗi nước giành được khoảng gần 10 tỷ USD tiền đầu tư của Trung Quốc. Lý do Trung Quốc đặc biệt ưa thích đổ tiền vào lục địa đen chỉ đơn giản là sự giàu có về các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Châu Phi...
Khao khát tài nguyên
Các tài nguyên mà Trung Quốc cần, đặc biệt là năng lượng sẽ rất khát khao có được để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của quốc gia này, dự đoán sẽ tăng gấp ba vào năm 2050. Đó là lý do tại sao đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng đã đạt mức lớn nhất, đè bẹp các lĩnh vực khác kể từ năm 2005, với gần 400 tỷ USD cam kết nhằm đảm bảo điện cho dân số của Trung Quốc, hiện đang ở mức gần 1,4 tỷ người. Đứng sau năng lượng là giao thông với số vốn đã đầu tư ra nước ngoài là 135 tỷ USD; khoáng sản 125 tỷ USD; bất động sản 86 tỷ USD; tài chính 41 tỷ USD; nông nghiệp 32 tỷ USD, công nghệ 27 tỷ USD…
Đầu tư vào năng lượng của Trung Quốc trong thực tế đã có sự giảm nhẹ trong năm 2014, so với các lĩnh vực khác, chẳng hạn như giao thông vận tải, tài sản và công nghệ. Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng có xu hướng ở mức độ quy mô lớn và thường do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện, do đó thời kỳ tạm lắng đầu tư vào năng lượng có nghĩa là ít Cty nhà nước Trung Quốc bỏ tiền vào đây và nhiều tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Trong một số trường hợp, điều này làm cho tiền của Trung Quốc càng dễ hấp thụ hơn cho nước chủ nhà.
Kim loại là một lĩnh vực quan trọng của đầu tư Trung Quốc, vì đây là những nguyên nhiên liệu cần thiết trong xây dựng và công nghiệp để giúp đáp ứng nhu cầu nhiên liệu đang tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Nhà nước Trung Quốc đã thực hiện một số khoản đầu tư vào các Cty lớn tư nhân và các dự án, hầu hết trong số đó thuộc lĩnh vực năng lượng.
Ví dụ, tập đoàn dầu khí Trung Quốc, CNOOC, đã dành 15 tỷ USD đầu tư vào Cty Nexen của Canada năm 2013, trong khi các Cty năng lượng khác thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt giao dịch trị giá nhiều tỷ USD trong những năm gần đây. Bên cạnh năng lượng và tài nguyên, lĩnh vực tài chính cũng thu hút được một số tiền lớn đáng kể từ Trung Quốc. Cùng với ngân hàng Morgan Stanley, Ngân hàng Standard là những thể chế tài chính nhận nhiều tiền đầu tư nhất của Trung Quốc…
Tính từ 2005-2014, tổng số tiền Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài đạt tới 870,4 tỷ USD. Xét theo thực tế hiện nay và triển vọng trong thời gian tới, việc Trung Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu thế giới không còn là điều gì đáng ngạc nhiên và thế giới sẽ chứng kiến Trung Quốc sớm mua hầu hết những thứ nước này cần trên toàn cầu.
Theo DĐDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo