Người Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh và các tài sản khác ở nước ngoài nhằm gây sức ảnh hưởng đang khiến dư luận nhiều nước quan ngại.
Giờ đây giới nhà giàu Trung Quốc không chỉ tràn ra nước ngoài mua bất động sản mà họ còn mua lại hàng loạt tài sản có tính chất “quyền lực mềm” như các câu lạc bộ thể thao, sân bay của các nước.
Những tài sản này, theo giới chuyên gia, có thể trở thành công cụ bành trướng và thọc sâu vào nền kinh tế của nước sở tại khi chính quyền Bắc Kinh cần đến.
Không ít cơ quan truyền thông ở châu Âu phải đặt nghi vấn về kiểu đầu tư "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" trong thời gian gần đây của các nhà đầu tư Trung Quốc. Những điều khiến người ta luôn lo ngại là nguồn tiền có sạch sẽ không và mục tiêu đầu tư có thuần túy kinh tế hay không...
Mua từ sân bay
Báo Queensland Times của Úc hồi tháng 3-2015 đưa tin tỉ phú người Trung Quốc Lý Sùng Vỹ là nhân vật đứng sau dự án xây dựng sân bay quốc tế ở Rosewood, thành phố Ipswich (bang Queensland, Úc).
Ông Lý cho biết chi phí ước tính trong giai đoạn đầu của dự án này là 600 triệu USD, chi cho việc xây dựng nhà ga và hai đường băng. Chính quyền bang Queensland và tỉ phú Lý đã nhất trí khởi công sân bay Rosewood từ ngày 1-4-2016 và có khả năng sẽ đưa vào vận hành năm 2018.
Thị trưởng thành phố Ipswich Paul Pisasale đã có những cuộc thương thảo bí mật với tỉ phú Lý tại Trung Quốc trong bốn tháng qua.
“Đây chính xác là những gì mà Ipswich đang cần vì dự án có thể đem lại 2.000 công việc cho dân địa phương” - thị trưởng Pisasale cho biết. Tuy nhiên, một số người dân địa phương Rosewood cho biết không mặn mà với dự án này vì họ không thích có yếu tố Trung Quốc xen vào.
Cùng tâm trạng, hồi đầu tháng 12-2014, nhiều người dân Pháp cũng phản đối khi xuất hiện thông tin một tập đoàn Trung Quốc đổ tiền vào mua gần nửa quyền kiểm soát sân bay Toulouse. Đến ngày 11-12, đại diện Chính phủ Pháp lại tuyên bố sẽ tư nhân hóa tiếp sân bay Lyon và Nice.
Trên tờ báo địa phương Le Progrès ngày 11-12, thị trưởng Lyon Gérard Collomb không giấu giếm khả năng bán cổ phần sân bay Lyon cho Trung Quốc.
“Nếu họ mở được đường bay đến Thượng Hải hoặc Bắc Kinh thì cũng có thể thương lượng được chứ” - ông Collomb tuyên bố. Thế nhưng nhiều chính trị gia và người dân Pháp đã không kìm được sự tức giận vì ngành hàng không chiến lược cũng bị đem bán.
Ông Jean-Louis Chauzy, chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội môi trường vùng (CESER), thẳng thừng phản bác quyết định để doanh nghiệp Trung Quốc thò mũi vào kế hoạch tư nhân hóa sân bay Toulouse.
“Theo các thông tin chúng tôi có được thì Chính phủ Trung Quốc đứng sau lưng tập đoàn bỏ tiền mua cổ phần của sân bay Toulouse. Tôi thấy điều này rất nghiêm trọng: cái bẫy giăng ra đang từ từ khép lại” - ông Chauzy phản ứng mạnh.
Còn ông Laurent Herblay, chuyên gia về kinh tế - chính trị của Pháp, nhận định Trung Quốc muốn lập hãng sản xuất máy bay cạnh tranh với Boeing và Airbus khi tiếp cận Toulouse - nơi đặt bản doanh của Airbus.
“Xét theo quá khứ chuyên ăn cắp công nghệ và sao chép của Trung Quốc, nước Pháp quả là điên mới dành cho họ đài quan sát thuận lợi như thế để dòm ngó Airbus”- ông Herblay cảnh báo.
Đến đội bóng đá
Trước đó, Club Med - một tập đoàn kinh doanh lữ hành Pháp hoạt động ở 40 quốc gia - cũng đã rơi vào tay Tập đoàn Phật Sơn (Fosan) của Trung Quốc.
Fosan còn chi hơn 700 triệu USD mua cả tòa nhà 60 tầng ở khu Manhattan (Mỹ), đầu tư dự án bất động sản thương mại trị giá 10,9 tỉ USD ở Hi Lạp, thò tay vào hàng loạt khu du lịch, nghỉ dưỡng và mua cổ phần trong các doanh nghiệp sản xuất ở Ý.
Chưa hết, trong giới thể thao, Câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux thuộc Tập đoàn Peugeot cũng có khả năng bị LED Ledus của Trung Quốc mua lại. Ngoài ra, hàng loạt chuỗi tập đoàn, câu lạc bộ giải trí khác ở các nước Âu - Mỹ cũng đã xuất hiện bóng dáng các “đại gia” Trung Quốc.
Cụ thể, China Huaxin mua lại Tập đoàn Alcatel-Lucent và Jin Jiang International mua lại Tập đoàn Louvre Hôtels, đơn vị kinh doanh khách sạn lớn thứ hai của Pháp, quản lý các chuỗi khách sạn như Campanille, Première Classe, Kyriad, Tulip.
Giới chuyên gia bình luận đây chỉ mới là bước đầu trong chiến lược “Tây tiến” của giới doanh nghiệp Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn gián tiếp của chính phủ nước này.
Từ khi chính quyền Bắc Kinh xóa bỏ quy định phải xin phép trước nếu số tiền cần chuyển ra nước ngoài vượt quá 100 triệu USD thì số thương vụ mua bán và đầu tư ở nước ngoài của giới doanh nghiệp Trung Quốc tăng đáng kể. Năm 2014 có 272 thương vụ mua bán và đầu tư với tổng số tiền lên tới 103 tỉ USD, tăng 72 vụ so với năm 2013.
Từ Trung Quốc, tỉ phú Vương Kiện Lâm của Tập đoàn Dalian Wanda - đại gia ngành bất động sản và giải trí - cũng đã chi 1,57 tỉ USD đầu tư vào các dự án bất động sản ở Úc.
Chỉ riêng dự án khách sạn ở khu Surfer Paradise, ông Vương đã đầu tư 1 tỉ USD.
Hồi tháng 1-2015, báo Wall Street Journal cho biết ông chủ Dalian Wanda còn bỏ ra 52 triệu USD để mua 20% cổ phần của Câu lạc bộ bóng đá Atletico Madrid của Tây Ban Nha với mục đích đưa cầu thủ Trung Quốc vào các CLB bóng đá hàng đầu châu Âu.
Tỉ phú này đã chi ít nhất 1 tỉ USD để mua chuỗi rạp chiếu phim AMC ở Mỹ, đầu tư vào công ty sản xuất du thuyền sang trọng của Anh Sunseeker và tòa nhà chọc trời ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) nhằm đa dạng hóa “đế chế kinh doanh” của mình.
Mới đây, người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm tiết lộ sẽ đầu tư ít nhất 5 tỉ USD vào Mỹ để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng “xây dựng đế chế kinh doanh đẳng cấp quốc tế” ở đây.
Báo Tin Tức Bắc Kinh dẫn lời tỉ phú Vương cho biết ông hi vọng Tập đoàn Dalian Wanda sẽ đạt doanh thu 200 tỉ USD trong năm năm nữa, trong đó khoảng 30% doanh thu kinh doanh là từ thị trường nước ngoài.
Hồi tháng 3-2015, tạp chí Forbes xếp Vương vào hàng tỉ phú giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước tính lên đến 24,4 tỉ USD. Phương châm kinh doanh của tỉ phú 61 tuổi này là luôn “gần gũi với chính quyền”.
Chính vì luôn biết tranh thủ các mối quan hệ thân cận với giới chức chính quyền Bắc Kinh mà Tập đoàn Dalian Wanda đã dễ dàng đem tiền ra nước ngoài đầu tư trong các dự án lớn.
Tan Wei Min, nhà môi giới bất động sản ở New York, Mỹ, cho biết hiện nay ngày càng nhiều người Trung Quốc đến đầu tư ở Mỹ, nhất là trong khu tài chính Manhattan.
Tính đến nay dòng đầu tư của những tỉ phú Trung Quốc tập trung nhiều ở các nước như Mỹ, Úc và Anh. Trong năm 2015, số người Trung Quốc đến Úc đầu tư bất động sản đã tăng 60% so với năm ngoái.
| EuroSity chỉ mãi là mô hình tại Châteauroux - Ảnh: AFP | Thật khó biết người Trung Quốc nghĩ gì Đó là nhận định của ông chủ Công ty vận tải Escale tại Pháp về dự án EuroSity tại Châteauroux (Pháp) với tờ báo L'Observateur. Ông cho rằng thật khó biết người Trung Quốc nghĩ gì, làm gì trong dự án EuroSity. Dự án rộng đến 500ha này từng được giới thiệu hoành tráng hồi giữa năm 2014 là khu công nghiệp công nghệ cao hợp tác Pháp - Trung do nhà đầu tư Trung Quốc Beijing Capital Land bỏ tiền. Dự án chi phí bước đầu xây dựng hạ tầng cả trăm triệu USD và sẽ nhanh chóng thu hút được các công ty, tập đoàn hàng đầu đến từ Trung Quốc. Thế nhưng sau nửa năm mọi thứ không có động tĩnh gì. Lời hứa nhanh chóng tạo ra 4.000 việc làm (trong đó 80% là lao động Pháp và 20% lao động Trung Quốc) cũng nhanh chóng tan thành mây khói. Ông Francis Journot, một nhà hoạt động Pháp, đã chỉ trích mạnh mẽ dự án EuroSity mà ông cho là một hình thức giao đất cho nhà đầu tư muốn làm gì thì làm. Trên tờ Marianne, ông thậm chí cho rằng Pháp đã quá rộng vòng tay với nhà đầu tư Trung Quốc khi sẵn sàng đón tiếp những tập đoàn bị kết tội thực hiện do thám, ăn cắp thông tin như Huawei. (TÚ ANH) |
Theo Tuổi trẻ