Pháp luật

Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc: Ai “bảo kê” cho trường xây ki ốt cho thuê?

(DNVN) – Mặc Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Vĩnh Yên) ngang nhiên xây dựng nhiều ki ốt để kinh doanh, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm nhưng chính quyền sở tại vẫn đứng ngoài cuộc khiến dư luận khó hiểu?

Qua tìm hiểu, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc tiền thân là Trường Đào tạo nghề Vĩnh Phúc, thành lập tại quyết định số 760/QĐ-UB ngày 04/5/2000 của UBND Tỉnh Vĩnh Phúc.         

Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc. 

Tháng 2 năm 2007 được nâng cấp và đổi tên thành Trường Trung cấp nghề Việt – Đức Vĩnh Phúc tại quyết định số 498/QĐ-UBND ngày 12/02/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; tại Quyết định số 922/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/7/2007 của  Bộ Lao động - TB&XH quyết định thành Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức Vĩnh Phúc, đến ngày 15/10/2014 đổi tên thành Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc theo Quyết định số 1335/QĐ-LĐTBXH.

Trường có chức năng và nhiệm vụ đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và của người lao động; Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo; Tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc khiến dư luận khó hiểu khi xây dựng hàng loạt các ki ốt trong khuôn viên của trường để kinh doanh các mặt hàng như: mở quán cafe, quán ăn, quán cắt tóc, hàng tạp hóa... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm cũng như làm mất mỹ quan trường học.

Loạt ki ốt "mọc" lên trong khuôn viên của trường. 

Theo quan sát của phóng viên, từ khi nhà trường cho các hộ dân thuê các ki ốt kinh doanh thì vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm để đỗ xe, tăng khả năng nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi đi qua đoạn đường này.

Trước sự việc trên, nhiều người dân tỏ ra vô cùng bức xúc vì trường học là môi trường đào tạo của sinh viên nay bị chi phối bởi ý tưởng kinh doanh phối hợp “kỳ lạ” của lãnh đạo Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc. Hành động này đang đi ngược lại với tôn chỉ mục đích của ngành giáo dục? Vậy ai là người được hưởng lợi?

 

Để tìm hiểu về việc “kinh doanh phối hợp giảng dạy” của Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. 

Qua trao đổi, dưới góc nhìn của người quản lý ông Hùng cho biết: “Chúng tôi vẫn thường xuyên đi kiểm tra nếu có việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường thì sẽ xử lý, còn họ không vi phạm trật tự thì chúng tôi sẽ không xử lý. Bởi vì các ki ốt đều nằm trong khuôn viên của nhà trường…”.

Vậy việc nhà trường tự ý xây dựng các ki ốt cho thuê, các cửa hàng ngang nhiên “biến” vỉa hè thành bãi đỗ xe để kinh doanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm… thì đơn vị nào sẽ là người xử lý dứt điểm? 

Trước loạt sai phạm trên, đề nghị UBND TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cùng các cơ quan ban ngành liên quan sớm vào cuộc xử lý dứt điểm, trả lại môi trường giáo dục “trong sạch” cho nhiều sinh viên đang theo học tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc. 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật tin tức và gửi thông tin mới nhất đến bạn đọc.

 

Nên đọc
Tuấn Kiệt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo