Xã hội

Trường công chất lượng cao: Sự thật về mục tiêu đẹp đẽ?

Trước chủ trương xây dựng trường công chất lượng cao (CLC) của Hà Nội, GS-TSKH Hoàng Xuân Sính cho rằng "HN không được phép lấy tiền thuế để phục vụ người giàu". Trong khi đó, về vấn đề chất lượng cao, đại biểu QH Nguyễn Sĩ Cương đặt câu hỏi: "Bộ giáo dục có cho phép không?"

"Ai cho phép lấy tiền người nghèo đầu tư cho người giàu"
 
GS-TSKH Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Thăng Long, đã chia sẻ những băn khoăn, bức xúc trước chủ trương xây dựng 35 trường công CLC của Hà Nội.
 
Theo GS Hoàng Xuân Sính, xây dựng trường CLC là chủ trương bất đắt dĩ khi cơ chế tài chính không thể đảm bảo CLC đồng loạt cho hệ thống giáo dục công. Nhưng xây dựng trường CLC trong hệ thống trường công mà lại không đảm bảo được điều kiện theo học bình đẳng giữa các học sinh khác, nghĩa là mức học phí ai cũng có thể học được, như vậy là bất công.
 
Hơn nữa, chủ trương của Hà Nội là lấy tiền từ ngân sách để xây dựng trường công CLC, thu học phí cao, phục vụ con nhà giàu, con nhà nghèo thì đứng nhìn.
 
Nếu như vậy, giải thích của Hà Nội cho rằng, xây dựng trường công CLC là đảm bảo công bằng xã hội, xã hội hóa giáo dục dựa trên nguyên tắc đảm bảo được chất lượng giáo dục phổ cập theo quy định đại trà chỉ là ngụy biện.
 
Điều này càng thể hiện rõ hơn trong mục tiêu của Hà Nội, khi Sở GD Hà Nội khẳng định “vào đây là phải đóng tiền cao, hưởng dịch vụ cao nhưng chưa có được cơ chế quy định tiêu chí lựa chọn đầu vào và đánh giá chất lượng đầu ra”.
 
Vậy thì mục tiêu đẹp đẽ như Hà Nội nói là nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố là nhiều tiền thì vào, con nhà giàu thì vào mà không cần quan tâm chất lượng thế nào hay sao?
 
Hà Nội, nếu muốn xây dựng trường CLC thì phải tự bỏ kinh phí, tự đóng góp để xây dựng một hệ thống trường riêng biệt, tách bạch khỏi hệ thống trường công mà không được phép sử dụng nguồn ngân sách từ giáo dục công, hay tiền thuế của dân. Không thể thực hiện như thế được.  
        
Đã là trường công thì không được phép tồn tại trường CLC hay chất lượng thấp. Tiền ngân sách đầu tư cho giáo dục phải được tập trung rót vào các cơ sở còn nghèo để phát triển, xây dựng nó tốt hơn.
 
Khi xã hội có giàu với nghèo, mà nhà nước không có được một chính sách phúc lợi hỗ trợ cho người nghèo đã là một bất công rồi. Hãy nhìn từ dịch vụ y tế xem. Giáo dục cũng vậy, lẽ ra phải lo thế nào để có tiền nâng cấp dịch vụ giáo dục công, hỗ trợ con nhà nghèo thì lại ứng tiền từ ngân sách mở ra trường công CLC rồi tiến tới tự chủ, nhưng lại chỉ có tiền mới vào được thì quá bất công với người nghèo.
 
"Bộ Giáo dục có cho phép không?"
 
Bàn về chủ trương này, ông Nguyễn Sĩ Cương - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu giáo dục CLC ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng theo đuổi được. Khi nói đến CLC nghĩa là mọi thứ đều cao, chi phí cao, cơ sở, dịch vụ và tới học phí phải cao.
 
Trong nhiều lần thảo luận tại Quốc hội, ai cũng nhìn thấy chủ trương này rõ ràng chỉ để phục vụ một nhóm người chứ không phải phục vụ toàn dân. Trong khi đó, phát triển toàn diện giáo dục là phải đảm bảo nhu cầu toàn dân chứ không phải là phục vụ một nhóm.


                                            Ông Nguyễn Sĩ Cương - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tôi không biết chủ trương của HN như thế nào, nhưng phải đặc biệt chú ý đến vai trò, nhiệm vụ của nền giáo dục công, nhất là đối với nền giáo dục phổ cập.
 
Khi thẩm tra luật Thủ đô, những vấn đề này cũng đã được đưa ra và thảo luận rất kỹ. Rõ ràng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
 
Cứ cho Hà Nội sẽ thuyết phục được người dân và chúng ta mạo hiểm để Hà Nội thực hiện thí điểm. Vấn đề tôi băn khoăn là tiêu chí đặt ra, nhưng cơ chế thực hiện nó thế nào, chất lượng cao là cao cái gì?
 
Khi xây dựng trường CLC là phải đảm bảo cả về cơ chế, cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục, nhưng thực hiện không khéo sẽ biến giáo dục thành một dịch vụ thương mại. Nghĩa là cứ có phòng ốc điều hòa, ti vi, máy lạnh thì gọi đó là CLC và thu tiền cao. Cũng giống như xe buýt, chỉ cần có cái xe, lắp cái điều hòa, trang bị thêm ti vi thì gọi là xe chất lượng cao. Không có một tiêu chí nào cụ thể.
 
Đội ngũ giáo viên tại Hà Nội cũng vậy, nếu so sánh với nhiều địa phương khác thì tỉ lệ đạt chuẩn còn không bằng.
 
Một vấn đề nữa là chương trình giảng dạy. Nếu chỉ là trương trình cơ bản, đạt chuẩn của Bộ thì có thay đổi được gì không? Nếu thêm chương trình nâng cao thì vô tình lại đi ngược với chủ trương giảm tải chương trình dạy và học, giảm áp lực cho học sinh và giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điều này rất nguy hiểm.
 
Một thực tế từ khảo sát của ban Giám sát giáo dục Quốc hội tại các địa phương đều cho thấy chương trình giáo dục hiện nay đang quá tải. Nếu chương trình đã quá tải rồi mà UBND TP Hà Nội lại xây dựng chương trình CLC bổ sung chương trình nâng cao cho trường công CLC nữa thì gánh nặng, áp lực đè nặng lên học sinh sẽ tới mức nào.
 
Còn nếu bớt chương trình đi, mà chỉ đào tạo chương trình đặc biệt theo kiểu "gà nòi" thì có đúng thẩm quyền không. Bộ GD&ĐT có cho phép không?
 

 


 

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo