Pháp luật

Trường Đại học Điện lực: “Lộ sáng” hàng loạt sai phạm

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sỹ; liên kết đào tạo; quản lý thu - chi học phí (thời điểm 2011 – 2015) tại Trường Đại học Điện lực đã được Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, ngày 16/9/2016.

Hàng loạt sai phạm của Trường Đại học Điện lực được Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ

Báo cáo thiếu trung thực với Bộ Giáo dục & Đào tạo

Thực hiện Quy định thanh tra số 800/QĐ-BCT ngày 3/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương về thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, đại học, thạc sỹ; liên kết đào tạo; quản lý thu, chi học phí tại Trường Đại học Điện lực, từ ngày 17/3/2016 đến ngày 24/5/2016, Đoàn thanh tra của Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra tại Trường Đại học Điện lực.

Theo đó, Kết luận thanh tra chỉ rõ, Trường Đại học Điện lực đã vi phạm quy định về đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh khi báo cáo không trung thực với bộ Giáo dục & Đào tạo về các điều kiện thực tế của trường nhằm tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh. Trong giai đoạn thừ năm 2011 -  2015, trường đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được bộ Giáo dục & Đào tạo giao.

Trong các năm từ 2011 – 2013, trường đã vi phạm quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định khi tuyển sinh 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố.

Năm 2011 - 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trường đã tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng nghề liên thông lên trình độ đại học khi chưa được phép của Giáo dục & Đào tạo.

 

Về liên kết đào tạo, trường đã vi phạm quy định về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo tuyển sinh và đào tạo liên thông ngoài cơ sở đào tạo của trường để cấp bằng đại học chính quy, cao đẳng mà chưa thực hiện đăng ký với Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Trường đã thực hiện đào tạo liên kết không đúng quy dịnh về đối tượng tham gia liên kết đào tạo.

Bên cạnh đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc ký hợp đồng hỗ trợ đào tạo và sao đó lại ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường quản lý các lớp học, theo dõi thực hiện hợp đồng, trong khi Hiệu trưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý, Chủ tài khoản của Trung tâm là sai quy định.

Việc ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo thiếu chặt chẽ dẫn tới bị đối tác chiếm dụng một số tiền lớn, trong thời gian dài; tổ chức đào tạo và thu - chi tài chính theo hình thức liên kết đào tạo 169 lớp, trong khi chưa có hợp đồng liên kết đào tạo là vi phạm quy định trong công tác quản lý đào tạo và nguyên tắc quản lý tài chính.

Buông lỏng quản lý chất lượng đào tạo

 

Về công tác quản lý chất lượng đào tạo, trường đã buông lỏng quản lý, giao cho đơn vị bên ngoài chủ trì quản lý đào tạo hệ liên thông, liên kết không đúng quy định; tuyển sinh vượt chỉ tiêu lớn dẫn đến quy mô vượt quá năng lực, không đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ sinh viên và giảm biên theo quy định. Từ đó, dẫn đến hạn chế việc kiểm soát chất lượng đào tạo.

Công tác quản lý kết quả học tập của sinh viên hệ liên thông, liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, trường chỉ tiếp nhận kết quả điểm cuối cùng của các lớp để tổng hợp, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp.

Công tác giảng dạy các lớp đào tạo liên thông, liên kết ngoài trường chủ yếu do giảng viên theo hình thức thỉnh giảng thực hiện, việc thuê khoán chuyên môn không được kiểm soát chặt chẽ theo quy định.

Về công tác quản lý thu – chi học phí, chấp hành chưa đúng các quy định của pháp luật về phí và lệ phí trong thu học phí.

Cụ thể, công tác giám sát thu tài chính chưa chặt chẽ (chưa quản lý đầy đủ các nguồn thu của trường như học phí và kinh phí đào tạo, học phí học bổ sung kiến thức, lệ phí tuyển sinh, lệ phí thi tốt nghiệp…).

 

Việc trường thu học phí và giữ tại quỹ tiền mặt hoặc gửi vào tài khoản ngân hàng thương mại mà không gửi vào kho bạc nhà nước là chưa bảo đảm quy định.

Tổ chức và xác định mức thu học phí đối với các sinh viên chính quy “đảm bảo đào tạo theo địa chỉ” và đào tạo theo nhu cầu xã hội chưa đúng quy định.

Việc thanh quyết toán với các đơn vị đầu mối quản lý đào tạo chưa được kịp thời. Một số khoản chi chưa đảm bảo chế độ, chứng từ thanh toán một số khoản chi chưa đảm bảo theo quy định.

Về công tác quản lý phôi bằng và cấp bằng tốt nghiệp, trường đã đào tạo vượt chỉ tiêu với số lượng lớn dẫn đến không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Thời điểm cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp; tại thời điểm tiến hành thanh tra còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015.

Như vậy, Trường Đại học Điện lực đã cấp một số lượng rất lớn bằng tốt nghiệp cho sinh viên và việc cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện trong năm 2016.

 

Ngoài ra, trong công tác quản lý cán bộ, còn thiếu chặt chẽ, một số viên chức của trường tham gia quản lý điều hành cho đơn vị ngoài trong một thời gian dài (Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường), nhưng không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Tổ chức đào tạo trong khi không đủ hồ sơ nhập học (của các lớp đào tạo liên thông năm 2011, 2012 do các đơn vị liên kết, đào tạo quản lý), hồ sơ tuyển sinh còn thiếu, chưa đảm bảo theo quy định.

Trường không cung cấp được tài liệu chứng minh đã thực hiện việc đối chiếu bằng, chứng chỉ gốc của học viên với hồ sơ nhập học của các lớp đào tạo liên kết…

Trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng nêu trên thì tập thể, cá nhân liên quan tại Trường Đại học Điện lực sẽ bị xử lý ra sao? Trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của EVN đối với Trường Đại học Điện lực như thế nào?...

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Nên đọc
Theo thuonghieucongluan.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo