Thị trường

Truyền thông về đổi mới sáng tạo cần hướng đến doanh nghiệp

TS. Phạm Văn Diễn, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho rằng, thực tế nhu cầu đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ các doanh nghiệp. Nhưng, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo. Do vậy, hoạt động truyền thông hướng đến các doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện đáng kể nhận thức của doanh nghiệp.

Cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu các mô hình liên kết viện/trường – doanh nghiệp hiệu quả trong và ngoài nước

Đổi mới sáng tạo – đưa nghiên cứu đến gần hơn với thực tiễn

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với phát triển kinh tế – xã hội cũng như bảo đảm an ninh – quốc phòng. Nghị quyết số 20/NQ-TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong đó nêu rõ“phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Luật Khoa học và Công nghệ (Luật số 29/2013/QH13) cũng quy định rõ các chính sách “nhằm bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Trong bối cảnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN tại nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo được tiến hành: Thứ nhất là trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ (R&D) tại các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp và các tổ chức khác. Theo OECD, các hoạt động R&D là cơ sở để nâng cao chất lượng đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế quốc gia. Các quốc gia được đánh giá là có nền kinh tế tri thức đều chi tiêu cho R&D thuộc hàng cao nhất trên thế giới (theo % GDP) như Isarel (hạng 1 thế giới với 4,3% năm 2009 và 3,5% năm 1999), Nhật Bản (3,3% năm 2009 và 3,0% năm 1999), Mỹ (2,8% năm 2009 và 2,7% năm 1999).

Thứ hai là đổi mới sáng tạo trong dịch vụ KH&CN. Trong lĩnh vực này, các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ, ứng dụng KH&CN, quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng góp phần kết nối giữa khu vực nghiên cứu với khu vực sản xuất kinh doanh.

TS. Phạm Văn Diễn cho biết, đối với các doanh nghiệp, nhu cầu đổi mới công nghệ ngày càng tăng do sức ép cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ước tính cả nước có khoảng 13 nghìn doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đòi hỏi phải có những thay đổi, đặc biệt là về công nghệ mới, trong mỗi doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển. Vấn đề này cũng đưa đến nhiều cơ hội gia tăng hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN.

Trước hết, hoạt động R&D được đẩy mạnh không chỉ ở các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn cả ở các doanh nghiệp. Một số kết quả R&D của các cơ sở nghiên cứu đã trở thành nền tảng hình thành các doanh nghiệp rất thành công như Công ty Cổ phần an ninh mạng BKAV, Công ty Cổ phần Robot TOSY,… Một số doanh nghiệp trực tiếp tiến hành các hoạt động R&D để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sản xuất, sau đó trực tiếp đưa các kết quả vào hoạt động kinh doanh mang lại những lợi ích rất lớn như Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam, Công ty Cổ phần nhựa Tiền Phong, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông,…

Các hoạt động đổi mới sáng tạo thuộc lĩnh vực dịch vụ KH&CN cũng có những kết quả nhất định. Hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ, các chợ công nghệ – thiết bị được tổ chức góp phần chuyển giao thành công các tài sản trí tuệ đến các địa chỉ ứng dụng. Mối liên kết giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu/trường đại học và các doanh nghiệp đã từng bước được chú trọng, đưa nghiên cứu đến gần hơn với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Văn Diễn cho rằng, mặc dù hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN đã có những thành tựu quan trọng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn những điểm nội dung hạn chế cơ bản. Chỉ có 6,6% số doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu; 77% số doanh nghiệp không theo đuổi hoạt động R&D; số lượng các nghiên cứu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam còn hạn chế. Tính đến năm 2010, số lượng sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam được bảo hộ tại Việt Nam tương ứng là 418 và 530. Việc nghiên cứu của các nhà khoa học còn chưa thực sự theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Mối liên kết giữa viện nghiên cứu/trường đại học với khu vục công nghiệp còn mới ở điểm xuất phát, cần thêm nhiều xung lực để phát triển. Hoạt động mua bán công nghệ với nước ngoài vẫn nặng về phần thiết bị hơn là phần công nghệ,…

Gắn truyền thông với đổi mới sáng tạo

“Truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với mọi hoạt động đổi mới sáng tạo của con người, trong đó có đổi mới sáng tạo trong KH&CN. Ở cấp độ vĩ mô, truyền thông đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN. Nhờ có truyền thông, nhiều tri thức của nhân loại về đổi mới sáng tạo được phổ biến đến các nhà khoa học, các doanh nhân, các nhà quản lý và người lao động; hỗ trợ tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Diễn khẳng định,

Thật vậy, truyền thông đã và đang góp phần hiệu quả nâng cao nhận thức của toàn xã hộivề ý nghĩa sống còn của đổi mới sáng tạo đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Theo ông Phạm Văn Diễn, để nâng cao chất lượng của hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN cần có sự đóng góp tích cực của công tác truyền thông. Thứ nhất là, cần đầu tư phát triển nguồn lực cho công tác truyền thông KH&CN. Cụ thể là, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp có trình độ và có hiểu biết sâu sắc về KH&CN cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng mạng lưới cộng tác viên truyền thông KH&CN; tăng cường đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm công tác truyền thông..

Thứ hai là đổi mới hoạt động truyền thông cả về nội dung và hình thức. Hạn chế số lượng các hoạt động có tính chất tuyên truyền một chiều, thay vào đó là các hoạt động truyền thông tương tác, hấp dẫn người nhận thông tin. Tổ chức thêm các nhiều mô hình truyền thông dưới dạng các cuộc thi như “Sáng tạo Việt” hay “Nhà sáng chế” sẽ có sức lan tỏa rộng khắp đến nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp hơn…

Thứ ba là, tập trung hoạt động truyền thông về đổi mới sáng tạo cần hướng đến đối tượng doanh nghiệp. Về điểm này, ông Diễn nhấn mạnh, thực tế nhu cầu đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ các doanh nghiệp nhưng nhiều chủ doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là tăng cường giới thiệu các tài sản trí tuệ đến với các doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin, tiếp cận các công nghệ mà họ có nhu cầu. Thêm vào đó, cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu các mô hình liên kết viện/trường – doanh nghiệp hiệu quả trong và ngoài nước do liên kết viện/trường – doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo IPP
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo