TS. Cao Sĩ Kiêm: Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế đã rõ hơn
Tại buổi thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013, bàn phương án đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, cũng như việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2014, TS. Cao Sĩ Kiêm – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã có bài phát biểu trước Quốc hội. DN&HN xin giới thiệu đến bạn đọc những nội dung cơ bản trong bài phát biểu này.
Qua báo cáo bổ sung năm 2013 và 4 tháng thực hiện năm 2014, có hai vấn đề nổi lên rất rõ. Tôi xin phân tích những điểm mới trong kế hoạch năm 2014.
Thứ nhất, dấu hiệu phục hồi kinh tế đã rõ hơn, ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện tăng hơn, như: kết quả thực hiện năm 2013 cao hơn dự kiến cuối năm và mức tăng đều hơn ở cả kinh tế - xã hội, nhất là trong nông nghiệp, thủy sản, lâm sản đều tăng. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày càng có hiệu quả, kiểm soát lạm phát đã tạo điều kiện cho giảm lãi suất, giảm chi phí, tăng xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại tệ, tỷ giá ổn định... Việc tập trung chỉ đạo đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp, ngân hàng và đổi mới thể chế đã có chuyển biến, thu được kết quả bước đầu. Đây là những yếu tố để đảm bảo chúng ta ổn định tốt hơn và phục hồi nhanh hơn, tạo cơ sở, yếu tố lòng tin trong thực hiện một số kế hoạch của năm 2014 và 2015. Mặc dù vậy, 6 tháng cuối năm sẽ có những khó khăn mới. Thứ nhất là leo thang vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông sẽ tác động đến nhiều mặt đến kinh tế - xã hội, đời sống của chúng ta trong những tháng và năm tới.
Thứ hai, nền kinh tế của chúng ta tuy có tăng, nhưng rất mỏng manh và thiếu vững chắc, tổng cầu không tăng, sức mua thì chưa được chuyển biến nhiều, tồn kho, nợ xấu tăng và phá sản cũng vẫn tăng, vốn tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh cũng có mức độ và tập trung nhiều cho mua trái phiếu Chính phủ. Dòng vốn không được lưu chuyển mạnh và chưa góp phần cho tăng trưởng.
Thứ ba, về cân đối ngân sách có biểu hiện mới, yếu tố tăng chi chắc chắn sẽ lên cao và những yếu tố để tăng thu, đảm bảo nguồn thu sẽ có chiều hướng giảm. Ngân sách sẽ khó khăn, những tồn tại này nếu chúng ta không khắc phục hiệu quả thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch năm nay, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, cũng như đời sống của một bộ phận dân cư.
Về giải pháp cho 7 tháng còn lại, tôi thấy Nghị quyết Trung ương 8 về phần kinh tế và Nghị quyết tháng 5 của Chính phủ để giải quyết những vấn đề từ nay đến cuối năm, đã rõ và kịp thời. Vì vậy, cần triển khai nhanh chủ trương này vào thực tế cuộc sống, nhưng đặc biệt chú ý 2 điểm: Một là, chọn lại các khuyết điểm, tồn tại của chúng ta trong báo cáo đã nêu để sửa nhanh và hiệu quả; hai là, phải có một phương án chủ động, không bị kích động đối phó với leo thang vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông trong mọi tình huống trước mắt và lâu dài. Xây dựng nền kinh tế độc lập không phụ thuộc, chú ý đa dạng hơn những cơ chế chính sách tuyên truyền hợp tác kinh tế thị trường.
Những chính sách đã có, tôi đề nghị cụ thể hóa nhanh về cơ chế, điều kiện, địa chỉ thực hiện. Ví dụ, các gói tín dụng cho lãi suất thấp và các đối tượng ưu tiên, kể cả nghề cá, kể cả trong nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu...
Những biện pháp của Chính phủ và các Bộ trưởng vừa báo cáo cần khẩn trương triển khai trong năm nay để giải quyết hiệu quả việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân. Đây là hai lĩnh vực còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng để đảm bảo tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, góp phần tăng trưởng nhanh, bù đắp cho những yếu tố bất thường, những suy giảm đang xảy ra.
Thứ tư, trong điều hành hiện nay, ngoài việc tiếp tục công khai và minh bạch thì vấn đề dự báo, dự đoán phải thật nhanh, thông tin kịp thời và chính xác. Chủ động để nắm tình hình, xử lý nghiêm túc mọi hành vi xuyên tạc, kích động và phá hoại, tăng lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trước những diễn biến mới.
TS. Cao Sĩ Kiêm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo