Xã hội

TS Cao Sỹ Kiêm: “Quốc hội phải chỉ đạo sát sao hơn”

“Việc chỉ đạo của Quốc hội phải sát hơn, kể cả trong quyết định phân bổ nguồn lực, thông qua hệ thống tín dụng và việc giám sát nó khác với việc chúng ta giám sát ngân sách”, TS Cao Sỹ Kiêm – ĐBQH đoàn Thái Bình.

TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Theo phản ảnh của cử tri, ý kiến của các đại biểu qua nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây cũng như phân tích của các đại biểu Quốc hội, tôi đồng tình với cách đánh giá Quốc hội gần đây hoạt động đã dân chủ, hiệu quả và thiết thực hơn, nhưng do yêu cầu và đòi hỏi của chúng ta vừa sửa Hiến pháp 2013, cũng như việc đổi mới của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu tình hình đổi mới kinh tế, hội nhập sâu và những vấn đề đặt ra cho đất nước trong tình hình mới, đặc biệt là những tồn tại của Quốc hội kể cả về chất lượng, trách nhiệm đối với hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là cơ cấu các ban của Quốc hội cũng như điều kiện hoạt động cho đại biểu Quốc hội thì chúng tôi rất đồng tình với cách đánh giá và đề nghị sửa đổi một số điều ở trong luật lần này.

Một là xác định địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu trực thuộc Quốc hội. Hai là mở rộng phạm vi, quyền hạn của đại biểu Quốc hội được tham gia tất cả các lĩnh vực và các hoạt động của các ban của Quốc hội. Ba là xác định chức danh Tổng thư ký, vừa phản ánh thực tế của đất nước đòi hỏi, yêu cầu hoạt động của Quốc hội và cũng hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng tôi cảm thấy việc đưa ra và phân tích những nội dung này đang nặng về phía quyền hạn và điều kiện nhiều hơn, còn chất lượng và trách nhiệm kể cả của các ban, của đại biểu Quốc hội thì tôi thấy chưa rõ, chưa cụ thể và chưa được nhấn mạnh, chưa cân đối với vấn đề chúng ta đặt ra về điều kiện, quyền hạn, kể cả của Quốc hội, các ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
 
Từ đó, chúng tôi thấy việc xác định rõ quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm và chất lượng phải đi đôi với điều kiện là vấn đề rất quan trọng. Nếu chúng ta giải quyết một cách hài hòa, đầy đủ thì chất lượng của Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ được nâng lên, sự đồng tình và tin tưởng của cử tri ngày càng tốt hơn.
 
Còn riêng phân định quyền hạn của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội phụ trách về chính sách tiền tệ, ngân hàng, tôi đồng ý với phương án 1, bản tờ trình của Thường vụ Quốc hội là vì khi tách hai ban này ra thì hoạt động của chính sách tiền tệ, hoạt động tiền tệ ngân hàng trực thuộc Ban kinh tế rất phù hợp và đang phát huy tác dụng rất tốt. Cho nên không có lý gì chúng ta bóc cái này trở lại bên kia thì rất không hợp lý. Thực tế hoạt động của chính sách tiền tệ và ngân hàng, chính sách tài khóa khác nhau, Quốc hội chúng ta chỉ đạo hoạt động về ngân sách là chúng ta đại diện để phân bổ nguồn lực của đất nước, chúng ta quyết định từng chỉ tiêu cụ thể rất kịp thời. Đối với chính sách tiền tệ chỉ tiêu tiền tệ chúng ta không thể quyết định cho ai vay, cho vay mức độ nào, cho vay thế nào, việc đó là của ngân hàng, vì đây phụ trách về sở hữu của toàn dân.
 
Thứ ba, thông lệ quốc tế, thực tế của đất nước chúng ta, nếu chúng ta xáo trộn vấn đề này thì nó sẽ gây ảnh hưởng và có thể không lợi, không phát huy được bằng chúng ta để hoạt động tiền tệ, tín dụng trực thuộc Ủy ban Kinh tế. Vấn đề này liên quan đến ngành kinh tế tổng hợp, có tác dụng rất lớn trong việc góp phần tăng trưởng cũng như chống lạm phát, hai mục tiêu đó rất quan trọng trong kinh tế thị trường và phát triển của một đất nước.
 
Việc chỉ đạo của Quốc hội phải sát hơn, kể cả trong quyết định phân bổ nguồn lực, thông qua hệ thống tín dụng và việc giám sát nó khác với việc chúng ta giám sát ngân sách. Tôi rất đồng tình nên giữ nguyên phương án 1 là để hoạt động này ở Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tôi đề nghị việc hoạt động của Ủy ban Ngân sách của Quốc hội phải được tăng cường. Thực tế Quốc hội chúng ta là hoạt động ngân sách, các nước người ta thông qua ngân sách coi như một luật, thời gian làm ngân sách của Quốc hội là rất nhiều, rất cụ thể. Cho nên phải tăng cường, ngoài việc vẫn để hoạt động của tiền tệ ngân hàng ở Ủy ban Kinh tế, tôi đề nghị phải tăng cường hoạt động của Ủy ban tài chính, ngân sách, kể cả về điều kiện, con người, những yếu tố cho họ hoạt động.
 
Chúng ta thấy rằng việc hoạt động của ngân sách chúng ta còn nhiều vấn đề, kể cả nguồn thu, nguồn chi, quản lý nguồn thu, nguồn chi, giám sát nguồn thu, nguồn chi ở nhiều lần của Quốc hội đã phản ảnh rất nhiều những cái mà chúng ta cần phải được quan tâm, cần phải được giám sát chặt hơn, cần phải được quản lí chặt hơn, phát huy vai trò của Quốc hội, việc này thông qua Uỷ ban ngân sách. Cho nên chúng tôi đề nghị, chúng ta phải tập trung tăng cường ủng hộ, tạo điều kiện Uỷ ban ngân sách phát huy trên tất cả các phương diện, kể cả quản lí, phân bổ nguồn lực của đất nước và giám sát việc hoạt động về ngân sách.
 
Nguyễn Hoàng (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo