TS.Nguyễn Đức Kiên: “Năm Ất Mùi mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế”
Có quan điểm cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có một thời kỳ phát triển quá nóng, khó đủ nội lực để thoát khỏi khủng hoảng. Ông nhìn nhận thế nào về nền kinh tế trong những năm qua, nó sẽ để lại những hệ lụy gì cho năm nay?
Nền kinh tế của chúng ta phát triển từ những năm 1992 trở lại đây không phải là nền kinh tế "bóc ngắn cắn dài" mà là nền kinh tế được cởi trói những rào cản về mặt cơ chế chính sách. Cho nên, từ nền kinh tế bị kìm hãm sang cởi trói về mặt thể chế thì nó được bung ra trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Việc chúng ta phát triển theo chiều rộng là hoàn toàn phù hợp với quy luật của nền kinh tế.
Điều cần nói ở đây là, chúng ta không biết điểm dừng của nền kinh tế đang được bung ra. Đến giới hạn chúng ta phải dừng lại, phát triển theo chiều sâu. Nhưng chúng ta không dừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển theo chiều rộng và kinh tế nhà nước không trở thành mũi nhọn phát triển, mở đường khai phá mà trở thành bà đỡ cho nền kinh tế, cho các thành phần kinh tế khác.
Liệu đây có phải do chúng ta phát triển dựa quá nhiều vào nguồn lực nước ngoài?
Không phải, chúng ta phát triển rộng, chỗ nào, lĩnh vực nào cũng phát triển. Một nền kinh tế vận hành theo xu hướng đổi mới sẽ có lĩnh vực phát triển vượt qua khu vực kế hoạch hóa. Có thể tưởng tượng, nền kinh tế của chúng ta phát triển như một cậu bé 18 tuổi nhưng lại mặc chiếc áo của đứa bé 12. Do đó, chiếc áo ấy như thiết chặt chàng thanh niên phổng phao, đến khi cởi chiếc áo ra, cơ thịt của chàng thanh niên đó bắt đầu nở ra.
Tuy nhiên, cơ thịt nở ra chỉ đến mức độ nhất định, chứ không có chuyện không tập tành gì mà các cơ hiện lên được. Chúng ta yếu ở chỗ chưa biết cho cậu bé tập cái gì để cơ thể khỏe và cũng chưa xác định là tập để đi thi đấu hay là tập để rèn luyện thân thể khỏe mạnh. Điểm yếu của chúng ta là không xác định được điều này, nên mới đầu tư dàn trải, cái gì nhà nước cũng có, cái gì nhà nước cũng làm. Cái hạn chế của chúng ta là ở đấy, dẫn tới việc kìm hãm sự phát triển của kinh tế đất nước.
Vậy theo đánh giá của ông, năm 2015, nền kinh tế có triển vọng không và có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,2%?
Với góc độ một người làm nghiên cứu thì tăng trưởng 6,2% hay 6,5% không quan trọng. Anh có thể hút thêm dầu, tăng khai thác than, tăng thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hoặc đi vay bội chi để đầu tư thêm một vài dự án nữa là có thể đạt được mục tiêu đó. Vấn đề mà tôi quan tâm là cơ cấu và mô hình tăng trưởng của đất nước có phù hợp không? Với mô hình đấy, cơ cấu của nền kinh tế, tự thân nền kinh tế có thể vận động được tốc độ cao hay không?
Nền kinh tế không vận động được tốc độ cao, không có mô hình phù hợp thì việc tụt lùi, tụt hậu của nền kinh tế chúng ta là hiện thực và nó đang trở thành hiện thực rồi. Trong khu vực ASEAN, 4 nước là Lào, Việt Nam, Myanma, Campuchia là chậm phát triển nhất trong 10 nước của khối. Và đến bây giờ, Việt Nam lại đang có xu hướng chậm dần lại trong đó 3 nước kia lại đang có xu hướng tăng lên. Như vậy, khoảng cách của Việt Nam với 6 nước đầu của khu vực lại ngày càng doãn ra chứ nó không được như lúc đầu hoặc là thu hẹp lại như chúng ta mong muốn.
Cho nên, không nên lấy mục tiêu là 6,2 hay 6,3% là một niềm tự hào, cái quan trọng ở đây là hết 2015 chúng ta có tái cơ cấu xong nền kinh tế không? Chúng ta có đạt được mô hình tăng trưởng mới không để sang năm 2016 mô hình mới đó phát huy và nó đảm bảo từ năm 2016 – 2020 chúng ta sẽ tăng trên 7% không? Đấy mới là cái quan trọng của năm 2015.
Giải pháp cho kinh tế Việt Nam cất cánh trong năm Ất Mùi này là gì, thưa ông?
Nếu năm 2015 chúng ta không hoàn tất việc tái cơ cấu thì năm 2016 – 2020 không có cơ sở để nói có thể đuổi kịp được nước nào trong khu vực. Xin lấy ví dụ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong 3 năm từ 2011 – 2013, chúng ta chỉ cải cách được hơn 80 doanh nghiệp, trong lúc đó, chỉ năm 2014, chúng ta tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa được hơn 200 doanh nghiệp. Tức là 1 năm chúng ta có thể làm gấp 2,5 lần so với 3 năm. Như vậy, vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta, phụ thuộc vào công tác điều hành chứ không phải là bản thân nền kinh tế.
Còn vấn đề tăng trưởng thì, bao giờ trong khó khăn cũng có những cơ hội. Kinh tế thế giới khủng hoảng thì lại xuất hiện những thị trường mới cho chúng ta. Chúng ta đang gặp khó khăn trong việc nâng cao sản lượng xuất khẩu thủy hải sản và nông nghiệp vào thị trường Mỹ, Nhật và EU nhưng đến năm 2015 một thị trường mới lại xuất hiện là thị trường liên minh hải quan.
2015 là năm mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế mà từ trước tới nay chúng ta không có. Đó là thị trường xuất khẩu sang liên minh hải quan, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp trong nước với khối FDI để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, hiệp định thương mại tự do với EU, hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, hiệp định TPP … Đây là những cơ hội chỉ có một lần trong năm 2015, nếu không tận dụng được, cơ hội tuột đi thì chúng ta có tội với lịch sử.
Năm nay, ngành ngân hàng đưa ra mục tiêu là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng giảm số lượng ngân hàng và xây dựng những định chế tài chính lớn vươn tầm khu vực. Theo ông, đây có phải là cách làm tốt và bền vững cho hoạt động phát triển của hệ thống trong tương lai?
Chúng ta đang tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo đúng lộ trình và kế hoạch. Trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gồm 2 phần. Phần thứ nhất là phần mua bán sáp nhập các TCTD và giải thể, phá sản TCTD. Đến bây giờ thì việc mua bán, sáp nhập các TCTD đang được triển khai một cách rất quyết liệt.
Chỉ trong 3 năm, chúng ta đã giảm được số lượng 5 TCTD mất tên trên thị trường. Nếu so với tỷ lệ của số lượng TCTD thì đây không phải là con số nhỏ, cho thấy, con đường đấy đang đi đúng hướng. Còn việc giải thể, phá sản các TCTD cũng sẽ làm nhưng trong các phương án thì chúng ta phải lựa chọn phương án nào ít ảnh hưởng đến thị trường, số đông đồng bào gửi tiền nhất.
Xử lý theo phương án nào, với mỗi ngân hàng là một bài học riêng, không có cái nào giống cái nào và không vận động thành phong trào bởi nó liên quan rất nhiều đến tiền gửi của người dân. Trong luật các TCTD cho phép các TCTD được huy động gấp nhiều lần vốn pháp định của tổ chức đó, nên xử lý các TCTD phải có một mô hình đặc thù. Đây là lý do Luật phá sản có hẳn một chương để xử lý phá sản các tổ chức tín dụng.
- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo