TS Nguyễn Trí Hiếu: Luật lệ của VN về thanh lý tài sản thế chấp rất lằng nhằng
Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 16/12/2013, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ xấu. Tuy nhiên việc xử lý các khoản nợ này như thế nào vẫn là một dấu hỏi. Xung quanh phương pháp chứng khoán hóa đang được nhiều người quan tâm, chúng tôi đã phỏng vấn chuyên gia tài chính ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu.
PV: Thưa chuyên gia, ông đánh giá khả năng VAMC sử dụng phương pháp chứng khoán hóa để xử lý nợ xấu ở Việt Nam như thế nào?
TS.Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng khả năng này là “Zero”.
Phương pháp chứng khoán hóa về cơ bản có 2 cách: chuyển nợ thành trái phiếu và chuyển nợ thành cổ phiếu.
Về cách thứ nhất, quy trình có thể nói ngắn gọn như thế này. Một công ty AMC của Việt Nam mua nợ từ ngân hàng. Ngân hàng sau đó sẽ chuyển nhượng tất cả các khoản nợ và tài sản thế chấp cho AMC. AMC phát hành trái phiếu và các nhà đầu tư là người mua trái phiếu này.
Thế nhưng khi nợ đó trở thành nợ xấu thì công ty AMC sẽ phải thanh lý TSBĐ. Do AMC giữ tất cả các tài sản trên danh nghĩa của các nhà đầu tư trái phiếu nên ACM cũng phải thanh lý TSBĐ trên danh nghĩa các NĐT dựa trên hợp đồng chứng khoán đó. Nhưng đó chính là vấn đề hết sức bất cập ở Việt Nam.
Luật lệ của mình về tài sản thế chấp, thanh lý tài sản thế chấp rất là lằng nhằng. Ngay cả khi những tài sản đó được đưa ra tòa và có án lệnh rồi thì việc thực hiện các án lệnh lại là một khâu khác. Ở Việt Nam, muốn thanh lý TSBĐ là một căn nhà, phải xin một án lệnh của tòa án. Tòa ra án lệnh đem bán đấu giá. Khi đem bán đấu giá, Ngân hàng phải có sự đồng ý của bên đi vay, đồng ý thanh lý tài sản đó thì mới làm được. Còn nếu không thì mình lại phải trở lại tòa rồi kéo dài 3,4 năm trời …
Trong khi ở Mỹ, thể thức của họ khác. Ngân hàng có tài sản thế chấp là một BĐS thì họ có 2 cách để thanh lý là qua tòa án hoặc không qua tòa án.
Với cách không qua tòa án, khi phát sinh nợ xấu, ngân hàng sẽ gửi cho người vay một thông báo và yêu cầu trả trong vòng một số ngày. Sau thời hạn đó mà người vay vẫn không trả, ngân hàng sẽ tiếp tục gửi giấy thông báo sẽ bán tài sản thế chấp bằng cách đấu giá tại thời điểm cụ thể, chỉ yêu cầu người vay có mặt. Đến ngày đó, công ty đấu giá tổ chức buổi đấu giá để thanh lý tài sản. Sau buổi đấu giá, ngân hàng có quyền bán tài sản đó ngay tức thì không cần qua tòa án, không cần sự đồng ý hay không đồng ý của người đi vay.
Với cách qua tòa án, khi người vay không trả được nợ mà giá trị thanh lý của tài sản thế chấp thấp hơn khoản vay thì ngân hàng có thể đưa lên tòa yêu cầu phán quyết không những chỉ dùng tài sản thế chấp mà còn có thể thanh lý những tài sản khác thuộc về người đi vay.
Chứng khoán hóa có thể làm được với tiền đề là công ty mà đem ra chứng khoán hóa phải thực hiện được quyền thế chấp của họ một cách hoàn hảo. Như vậy NĐT mới tin tưởng mua chứng khoán phát hành từ các khoản nợ xấu. Chứ bây giờ mua chứng khoán xong, lúc cần thì không thanh lý được tài sản thế chấp thì làm sao NĐT tin tưởng được nữa? Vì vậy, với cách thứ nhất này, ở Việt Nam, với những cái luật lệ như thế này, chưa thể thực hiện được.
Trên đây là chứng khoán hóa bằng trái phiếu. Bây giờ đến vấn đề cổ phần.
Một người có nợ rồi không trả được. VAMC hoặc DATC, hay 1 công ty AMC trung gian, có thể làm cách nào đó để yêu cầu công ty này phát hành cổ phần. NĐT sẽ mua cổ phần của công ty đó hoặc là AMC có thể chứng khoán hóa mấy chục khoản nợ đó thành một gói có giá trị lớn, rồi những NĐT muốn đầu tư sẽ mua cổ phần của những công ty này thông qua các công ty trung gian trên.
Lý thuyết là thế, còn thực tế thì không dễ dàng vì mình chưa có một cái tiền lệ chứng khoán hóa các khoản nợ. Riêng lẻ thì cũng có những nhà băng, họ cho vay và khách hàng không trả được, họ chuyển khoản vay thành cổ phần và thành cổ đông như SHB với Bianfishco. Thế nhưng ở Việt Nam, hoạt động này chưa làm một cách đại trà qua một công ty trung gian.
Có thể là phương pháp chứng khoán hóa đã nằm trong kế hoạch của VAMC rồi nhưng bây giờ thì VAMC mới dừng lại ở bước cứ mua nợ của các NH đi đã, phát hành trái phiếu đặc biệt đã, rồi tất cả các nợ xấu đó sẽ nằm trong cái “kho” của VAMC. Xử lý như thế nào thì chưa tính đến.
PV: Xin hỏi chuyên gia, nếu VAMC sử dụng phương pháp chuyển nợ của một công ty thành cổ phần và mua cổ phần này, trong khi VAMC có vốn từ Ngân sách nhà nước, thì tức là nhà nước đầu tư vốn vào công ty này?
TS.Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là như vậy. Khi nợ được bán cho VAMC, VAMC sở hữu nợ đó trên danh nghĩa mà giờ họ chuyển thành cổ phần thì VAMC thành cổ đông của những công ty đó. VAMC là công ty con của NHNN thì rõ ràng là nhà nước thông qua VAMC sẽ sở hữu cổ phiếu của DN đó.
Tuy nhiên VAMC có thể thực hiện phương pháp này và chỉ đóng vai trò trung gian như tôi đã nói vừa rồi. VAMC mà chuyển nợ thành cổ phần và trở thành cổ đông thì tức là đã dùng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu mà chủ trương của chúng ta là “không dùng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu”.
PV: Có ý kiến cho rằng trình độ thẩm định có thể là một nguyên nhân khiến cho phương pháp chứng khoán hóa các khoản nợ không sử dụng được ở Việt Nam, ông đánh giá sao về ý kiến này?
TS.Nguyễn Trí Hiếu: Đó cũng là một nguyên nhân. Việc thẩm định ở các công ty Việt Nam rất là lằng nhằng. Sổ sách không chuyên nghiệp và minh bạch.
Một công ty có nợ xấu, muốn phục hồi được thì phải bơm tiền thêm nhưng việc này rất nguy hiểm. Nợ cũ đã xấu rồi, TSBĐ cũng là TSBĐ của các khoản nợ cũ. Bây giờ ngân hàng bơm tiền mới vào nhưng chẳng có gì bảo đảm cả. Nợ mới kéo theo nợ cũ cùng chết.
Ở bên Mỹ, khi bơm tiền mới vào thì tất cả các sản phẩm, các tài sản phát sinh từ khoản vay mới được khoanh lại. Tất cả tài sản đảm bảo cho khoản vay cũ cũng khoanh lại. Khi tòa án phán quyết dừng thu hồi các khoản nợ cũ thì họ sẽ phân định ra những tài sản nào để phục vụ cho nợ cũ, tài sản nào phát sinh thuộc nợ mới thì được phục vụ, bảo đảm cho nợ mới. Cho nên các Ngân hàng thấy các khoản nợ mới cho vay an toàn.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng