TS Trí Hiếu: “Nợ xấu cần phải được đem ra khỏi cơ thể ngân hàng, VAMC”
Con đường còn dài với VAMC
PV: Ông đánh giá thế nào về những việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã làm trong năm 2013?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Một điểm rất mừng là VAMC đã mua được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng (NH) trong ngày cuối năm. Đó là tín hiệu tốt. Chắc chắn năm 2014 VAMC sẽ tiếp tục mua lượng nợ xấu lớn hơn.
Thế nhưng việc mua nợ xấu của VAMC mới chỉ là bước khởi đầu của cả một tiến trình xử lý nợ xấu. Vấn đề chuyển nợ xấu từ cơ thể của NH sang cơ thể của VAMC chỉ là tính cách hạch toán thôi, còn cho toàn ngành kinh tế, nợ xấu đó vẫn còn nguyên, nếu không được xử lý một cách rốt ráo.
Những việc VAMC làm được là tín hiệu, là một giai đoạn khởi đầu tích cực nhưng cũng như người Mỹ có nói: “This is the end of the beginning, not the beginning of the end” (Dịch: Đây là điểm cuối của giai đoạn khởi đầu chứ không phải điểm khởi đầu của giai đoạn cuối).
Có nghĩa là con đường còn rất dài và VAMC phải làm sao để xử lý nợ xấu hiệu quả. Các NHTM cần phải hợp tác với VAMC để xử lý nợ xấu bằng cách sử dụng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ. Nếu cuối cùng không còn cách nào khác, không cứu được DN thì bắt buộc phải giải quyết hàng thế chấp và thanh toán những món nợ qua việc có những chế tài, qua những phán quyết của tòa án để xử lý nợ xấu.
Thành ra 2014 là năm bản lề cho vấn đề xử lý nợ xấu. Nếu chúng ta thành công trong năm nay thì có lẽ nền tài chính và ngân hàng của Việt Nam sẽ có một tương lai rất tốt đẹp. Còn nếu không, thì chúng ta có thể đi vào một khủng hoảng.
Đưa nợ xấu ra khỏi cơ thể NH
PV: Rất nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của VAMC trong thời gian qua là chuyển nợ chứ không phải mua bán nợ xấu. Vậy theo ông, năm 2014 cần phải có những cơ chế gì để hoạt động của VAMC đi vào thực chất?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chuyển nợ là bước đầu quan trọng để lôi nợ xấu khỏi cơ thể NH, đem vào cơ thể của VAMC, tập trung vào đó và xử lý. Bước khởi đầu này rất tốt. Để VAMC có thể xử lý được nợ xấu thì có lẽ cần phải có sự nhập cuộc của những nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để họ mua nợ xấu đó đi.
Nợ xấu vẫn loanh quẩn quanh quẩn trong hệ thống NH và VAMC. Nợ xấu cần phải đem ra khỏi cơ thể của NH bằng cách giải quyết, thanh lý tài sản đảm bảo nếu có hoặc thu hồi, và đến cuối cùng là xóa nợ.
Đến khi đó thì sẽ phát sinh vấn đề NH nào đó có thiệt hại gì không, nếu NH thiệt hại quá lớn vì vấn đề thanh lý nợ xấu thì sẽ làm giảm sâu vốn tự có của NH, cũng giống như khi lòng sông cạn đáy thì tất cả các rác rưởi sẽ hiện lên. Từ đây Chính phủ, NHNN phải đưa đến chương trình tái cấp vốn cho NH đó. Còn trong trường hợp vốn của NH giảm sâu tới mức độ triệt tiêu cả vốn tự có thì phải nghĩ tới vấn đề đưa NH đó ra khỏi hệ thống NH, bắt buộc phải phá sản.
PV: Từ kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc, với những phương thức như: Đôn đốc hoàn nợ, chuyển nhượng tài sản, tái cơ cấu tài sản, chứng khoán hoá tài sản… ông đánh giá thế nào về khả năng VAMC áp dụng một trong các thủ pháp này để xử lý nợ xấu trong năm 2014?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tất cả các phương thức đó sẽ đều được sử dụng trong vấn đề xử lý nợ xấu trong năm 2014. Chúng ta đã biết vấn đề này có nhiều cách như thu hồi nợ, có thể phục hồi các DN vay nợ thì điều đó là tốt nhất. Anh cho vay cũng thắng, anh đi vay cũng thắng và VAMC cũng thắng nếu mình phục hồi được con nợ.
Có một cách khác là chứng khoán hóa bằng cách cổ phần hóa món nợ. Việc này nên làm ở ngoài hệ thống NH, có nghĩa là NH không nên cổ phần hóa món nợ để trở thành chủ nhân một DN nào đó. NH không nên trở thành chủ nhân tràn lan, quản lý các DN mà nên về đúng chức năng là quản lý dòng tiền. Thay vào đó là bán nợ đó cho nhà đầu tư, để họ chứng khoán hóa và trở thành chủ nhân của con nợ. Thì điều đó đáng mừng và đáng khuyến khích.
Thành ra những cách giải quyết của Trung Quốc như cổ phần hóa, chứng khoán hóa… tất cả những cách đó đều có thể giải quyết được. Năm nay tất cả các công cụ đó đều phải được sử dụng một cách kết hợp tại Việt Nam.
PV: Thông tư 02 hướng dẫn về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được triển khai vào tháng 6 năm nay nhưng vừa qua đã có khá nhiều ý kiến kiến nghị nên hoãn thêm thời hạn này. Quan điểm của ông thì sao?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Thông tư 02 hiện tại đang gây rất nhiều tranh luận. Một số ý kiến nên hoãn lại lần nữa vì nó sẽ đẩy tỷ lệ nợ xấu lên và gây khó khăn cho DN. Dĩ nhiên không ai muốn DN gặp khó khăn nhưng theo tôi nên đưa Thông tư 02 vào thực tế.
Vì thứ 1 là mình đã hoãn rồi, nếu tiếp tục hoãn thêm thì bất cứ chính sách nào của Ngân hàng Trung ương (NHTW) đưa ra thì mọi người đều có tâm lý mong đợi chính sách sẽ không thực hiện hoặc được hoãn và điều này trở thành tiền lệ xấu trong hệ thống NH Việt Nam.
Không những mất uy tín với các thành phần kinh tế trong nước mà đặc biệt với đối tác nước ngoài. Họ sẽ nghi ngờ về uy tín của NHTW, nên vấn đề đưa Thông tư 02 vào thực tiễn vào tháng 6 này là điều cần thiết trên phương diện đó.
Điều tích cực hơn trong việc này là nó sẽ đưa vấn đề nợ xấu minh bạch hơn, vì hiện tại có rất nhiều nợ đang ở trong tình trạng nợ tốt, nợ bình thường, hoặc nợ không xấu lắm nhưng nó được che phủ đi bởi biện pháp tái cơ cấu nợ.
Vấn đề tái cơ cấu nợ, hiện tại NHNN cũng đã không cho phép nữa, Thông tư 02 đi vào thực hiện còn chặt chẽ hơn, sẽ làm rõ bức tranh của nợ xấu. Tất cả những nợ đã được tái cơ cấu mà vẫn không được trả đúng hạn hoặc có vấn đề sẽ trở lại tình trạng nợ xấu.
Chúng ta chỉ có thể xử lý nợ xấu một cách chặt chẽ khi biết được chính xác nợ xấu nằm ở NH nào, mức độ thiệt hại là bao nhiêu. Thông tư 02 là cần thiết, tuy nhiên nên điều chỉnh chế tài để giúp suy giảm phần nào khó khăn cho DN và vẫn giúp được DN.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông