Pháp luật

Từ 1/1/2018: Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự khi thanh toán bằng Bitcoin

Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Theo Vietnamnet, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.

Theo đó, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Từ 1/1/2018: Sử dụng bitcoin thanh toán bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Báo Infonet đưa tin, mới đây, Cục Hải quan TP HCM cho biết, tính đến cuối tháng 10/2017 đã tiếp nhận 98 tờ khai nhập khẩu 1.478 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin và Litecoin tại Chi cục hải quan Chuyển phát nhanh.

Theo Cục Hải quan TP HCM, máy xử lý dữ liệu tự động không thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu theo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế, nhưng việc phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo lại chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, đơn vị này đã báo cáo Tổng cục để xin ý kiến chỉ đạo khi tình trạng nhập khẩu mặt hàng này tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây và có khả năng gây nhiều hệ lụy.

Bitcoin mang tính ẩn danh cao nên dễ trở thành công cụ cho các tội phạm như rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế… mà họ sử dụng. Rủi ro thứ hai, đồng tiền ảo này được sử dụng dưới hình thức kỹ thuật số nên dễ bị tấn công, dễ bị ngừng giao dịch, đánh cắp dữ liệu. Thứ ba là giá trị đồng tiền này biến động rất mạnh, rất phức tạp trong thời gian ngắn. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

 

Nên đọc
Theo Sở hữu trí tuệ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo