Từ 1/7: Doanh nghiệp “chết” dễ hơn!
Từ ngày 1/7, doanh nghiệp có thể được “chết” dễ dàng hơn nhờ quy định mới trong Thông tư 80/2012 của Bộ Tài chính.
Dùng dằng quyết toán
Lâu nay doanh nghiệp thường xuyên than phiền về việc khó giải thể. Nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp phải được cơ quan thuế quyết toán thuế xong xuôi thì mới giải thể được. Thế nhưng doanh nghiệp gửi hồ sơ xin giải thể và thường phải đợi rất lâu mới được cơ quan thuế quyết toán.
Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, cho biết có quá nhiều doanh nghiệp xin giải thể, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn năm 2011, 2012. Vì vậy mà nhân viên thuế làm không xuể, dẫn đến việc doanh nghiệp chờ lâu.
Hơn nữa, hồ sơ quyết toán giải thể phức tạp hơn các hồ sơ khác, cần phải xác minh tất cả hóa đơn… vì vậy mà mất thời gian hơn nhiều.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, lâu nay không có quy định cụ thể về trách nhiệm quyết toán của cơ quan thuế. Cơ quan thuế có nghĩa vụ quyết toán cho doanh nghiệp giải thể nhưng muốn quyết khi nào thì quyết, không ràng buộc về thời hạn thực hiện.
Vì quy định lỏng như vậy nên lâu nay doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể vài tháng mà không được cơ quan thuế ngó ngàng gì đến thì cũng đành ngồi chờ chứ không có cách nào khác. Giả sử có khiếu nại hay kiện ra tòa thì cũng chẳng ăn thua, vì cơ quan thuế đâu có sai chỗ nào!
Chỉ trong 10 ngày
Theo Thông tư 80 áp dụng từ ngày 1/7, doanh nghiệp muốn chấm dứt hoạt động thì thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Doanh nghiệp chỉ cần gửi giấy chứng nhận đăng ký thuế, quyết định giải thể doanh nghiệp. Cơ quan thuế ra thông báo doanh nghiệp ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp phải nộp các hồ sơ liên quan và quyết toán các nghĩa vụ thuế.
Trong vòng 10 ngày làm việc, cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra quyết toán thuế cho doanh nghiệp.
Như vậy, nếu cơ quan thuế không thực hiện nghĩa vụ quyết toán thì doanh nghiệp có quyền căn cứ vào Thông tư 80 mà khiếu nại rằng cơ quan thuế đã làm sai quy trình.
Liệu cơ quan thuế có thực hiện Thông tư 80, cho doanh nghiệp dễ dàng giải thể hay không? Ông Tấn cho biết: “Cơ quan thuế vẫn phải thực hiện thông tư này, tuy nhiên 10 ngày thì không thể làm kịp, do đó cơ quan thuế sẽ trao đổi thêm với doanh nghiệp về thời hạn thực hiện”.
Ai chịu tiền kiểm toán?
Ông Tấn cho rằng việc doanh nghiệp giải thể sẽ được giải quyết rất nhanh nếu doanh nghiệp xin giải thể thông qua một đơn vị kiểm toán độc lập.
“Chúng tôi cứ mong có một cơ chế như vậy. Nếu doanh nghiệp đã được một đơn vị độc lập kiểm toán xong rồi thì sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ kiểm toán, cơ quan thuế chỉ cần giải quyết trong vòng bảy ngày là xong thủ tục giải thể. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp lại không qua kiểm toán” - ông Tấn phân tích.
Thế nhưng phải thấy rằng doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi mới đóng cửa, giải thể. Vậy doanh nghiệp lấy đâu ra kinh phí mà thuê kiểm toán để giải thể? Ông Tấn cho rằng Nhà nước hiện không có kinh phí để trả phí kiểm toán cho doanh nghiệp được. Doanh nghiệp nên xem việc kiểm toán là việc thường xuyên trong doanh nghiệp mình.
Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh cũng đang tính một cơ chế phối hợp giữa Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan công an để làm thủ tục giải thể cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp xin thành lập thì Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối nhận hồ sơ, cấp mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cả con dấu. Nay doanh nghiệp giải thể thì Cục Thuế làm đầu mối nhận hồ sơ, thu con dấu, thu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khóa mã số thuế.
Tuy nhiên, cơ chế này còn phải được bàn thảo, được sự đồng ý của các bên thì Cục Thuế mới thực hiện được.
Tự động giải thể
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, từng có ý kiến rằng nên có quy trình tự động cho doanh nghiệp giải thể. Doanh nghiệp nộp hồ sơ, sau một thời gian nhất định mà cơ quan thuế không đến quyết toán thì doanh nghiệp tự động được giải thể. doanh nghiệp chịu trách nhiệm với các số liệu mà doanh nghiệp khai, nếu có thất thoát thuế thì cơ quan thuế phải chịu vì đã không xuống quyết toán. Phải làm như thế thì doanh nghiệp mới được giải quyết giải thể cho nhanh. |
Theo Pháp luật TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo