Pháp luật

Từ 12/02/2018, thu hồi “biển xanh” trước khi giao xe cho người mua đấu giá

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 64/2017/TT-BCA ngày 28/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2018.

Theo đó, tất cả các xe công vụ (xe biển xanh) khi thanh lý, bán đấu giá thì trước khi bàn giao tài sản cho người mua thì phải tiến hành thu hồi biển số và giấy chứng nhận đăng ký xe nộp lại cho Phòng CSGT.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 64/2017/TT-BCA quy định: “Xe đăng ký biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, nay có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân mua hoặc được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe."

Dù đã được thanh lý, bán đấu giá, nhưng người mua không chịu làm thủ tục đổi biển xanh sang biển trắng, vô tư đi trên đường. Ảnh minh họa.

Trước đó, Tạp chí GTVT điện tử có đăng tải loạt bài về việc hơn 70 xe công vụ (biển xanh) ở Nghệ An đã thanh lý, bán đấu giá cho tư nhân nhưng đến nay các cá nhân này vẫn chưa chịu làm thủ tục sang tên, chuyển đổi biển xanh sang biển trắng khiến tình trạng xe biển xanh đi trên đường ở Nghệ An không biết đâu là xe tư nhân, đâu là xe của nhà nước. Điều này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy, nhưng các cơ quan chức năng đều cho rằng mình “vô can”.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Nghệ An cho biết: "Việc tổ chức thanh lý, đấu giá xe công ở Trung tâm đấu giá của chúng tôi không nhiều, vì có một số đơn vị họ cũng tự tổ chức bán đấu giá. Chúng tôi chỉ có chức năng bán đấu giá, còn việc thu hồi biển số thì đơn vị có xe thanh lý nhờ chúng tôi thu hồi biển số ngay sau khi buổi đấu giá thành công thì chúng tôi mới thu hồi biển số và các giấy tờ để chuyển cho cơ quan chức năng, còn lại là chúng tôi không có quyền."

Ông Hoàng Minh Quân, Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính Nghệ An cho biết: "Chức năng của chúng tôi là thẩm định giá, chứ không có chức năng đề nghị thu hồi biển số. Nếu chúng tôi đề nghị thu hồi biển số khi đấu giá là chúng tôi lạm quyền."

Trong số hơn 70 xe biển xanh do tư nhân mua sử dụng thì đa số các xe này đều đăng kiểm bình thường. Về việc này, ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An cho biết: "Bất kỳ xe nào khi đến đây nếu có giấy tờ gốc là chúng tôi cho phương tiện vào đăng kiểm. Vì không có quy định nào yêu cầu chính chủ phương tiện mới được đưa phương tiện đi đăng kiểm."

Trung tá Lê Thanh Nghị, Phó trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an Nghệ An cho biết, đây đang là vấn đề nan giải không chỉ ở Nghệ An mà đã xảy ra trên cả nước. Theo khoản 2, điều 6 Thông tư 15/2014/BCA của Bộ Công an quy định: Ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho tặng, xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

 

Như vậy, các xe biển xanh sau khi thanh lý, bán đấu giá, nếu chủ xe trước khi bán thanh lý, bán đấu giá không gửi văn bản đến Phòng CSGT thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho đến khi xe đó được sang tên, đổi biển.

Còn trách nhiệm của người mua được xe biển xanh khi thanh lý, đấu giá, thì Trung tá Nghị cho biết, theo quy định tại khoản 3, điều 6 Thông tư 15 Bộ Công an quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.

Tuy nhiên việc xử phạt xe không sang tên đổi chủ lại căn cứ vào khoản 9, điều 76, Nghị định 46/2016/NĐ-CP là "Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b khoản 1 và khoản 5 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (xe không sang tên đổi chủ) chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; hoặc qua công tác đăng ký xe”.

Trung tá Lê Thanh Nghị cho biết thêm, nếu các xe biển xanh này sau khi mua mà không sang tên, chuyển đổi biển xanh sang biển trắng, nếu lưu thông trên đường thì lực lượng CSGT cũng không có quyền tạm giữ để yêu cầu họ chuyển đổi biển số. Trừ khi họ vi phạm điều 76 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định: Từ ngày 01/01/2017, người sở hữu xe (gồm cả ôtô công thanh lý) không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với cá nhân), từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức).

 

Chủ xe không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số, giấy kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt hành chính 2-4 triệu đồng với cá nhân, và phạt 4-8 triệu đồng với tổ chức.

Nên đọc
Theo Tạp chí Giao thông
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo