Xã hội

Từ 2018: Lương tối thiểu sẽ chỉ điều chỉnh theo lạm phát

Việc điều chỉnh lương tối thiểu từ năm 2018 trở đi sẽ chỉ còn dựa vào một yếu tố là sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng hằng năm (CPI).

Lao động làm việc tại một doanh nghiệp gỗ.

Đó là thông tin ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho phóng viên biết hôm nay 12/8. Hiện tại, khi tính mức lương tối thiểu, Hội đồng tiền lương xây dựng đề án điều chỉnh lương dựa trên nhiều yếu tố, gồm mức tăng của CPI, tốc độ tăng trưởng GDP, mức độ tăng lương chung của thị trường, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Riêng về CPI, bộ chú trọng nhiều vào việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm, y tế, phương tiện đi lại… để mức lương tối thiểu khi xây dựng xong phải đáp ứng đủ nhu cầu sống của người lao động.

 
Tuy vậy, ông Huân cho rằng lương tối thiểu giờ vẫn còn cách xa với mức sống và thu nhập thực tế của người lao động. Vì vậy, mỗi năm, bộ đều tính toán tăng lương dựa trên nhiều yếu tố để mức lương tăng cao hơn, dao động khoảng 15-17%.
 
Nhưng khi mức lương đã tiệm cận với mức sống tối thiểu, đáp ứng được nhu cầu lao động không có tay nghề, làm các công việc giản đơn, trong điều kiện ổn định thì việc điều chỉnh lương hằng năm chỉ còn dựa vào việc thay đổi CPI.
 
'Trong thời gian qua đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những người đại diện lao động và người sử dụng lao động về việc tăng lương tối thiểu bao nhiêu cho phù hợp. Nhưng thực chất, “mức sống tối thiểu” để làm cơ sở tính lương mà các bên tranh cãi không biết đã được tính toán trên cơ sở nào.
 
Cũng chưa thấy có thống kê nào liên quan đến việc doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí bao nhiêu từ việc điều chỉnh lương qua hằng năm.
 
Chủ tịch công đoàn một công ty dệt may lớn cho rằng, việc tăng lương tối thiểu chỉ công nhân mới tuyển dụng được lợi vì công ty phải bù cho họ đủ với mức lương tối thiểu dành cho lao động đã qua đào tạo, nhưng số này không nhiều và chi phí đóng bảo hiểm xã hội của công ty bị đội lên, còn với công nhân đã làm khoảng 1 năm ở công ty thì bị giảm lương thực lãnh, chứ thu nhập không tăng lên. “Nên đa phần công nhân đều không quan tâm đến việc tăng lương tối thiểu”, vị này cho biết.
 
Ở các doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng giờ chỉ còn là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, vì như với vùng 1, ít doanh nghiệp trả bằng mức khoảng 3,1 triệu đồng/tháng, nếu muốn thu hút được người lao động. Và một thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội vào cuối năm ngoái cũng cho thấy mức lương bình quân của người lao động, trong số 2,5 triệu lao động được khảo sát vào khoảng 5 triệu đồng/tháng.
 
Vậy, ai cần tăng lương tối thiểu? Một là nhóm lao động yếu thế (có điều kiện kèm theo là phải nằm trong doanh nghiệp), số này rất ít. Hai là cơ quan bảo hiểm xã hội, vì nhiều doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Còn lại các lao động đã có lương cao hơn tối thiểu thì không màng đến chuyện tăng lương, hoặc còn cảm thấy bức xúc vì lương thực lãnh giảm, con số này rất lớn. Và doanh nghiệp thì đương nhiên không muốn tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội và bù chi phí cho lao động dưới lương tối thiểu nên cũng không muốn tăng lương.
 
Mấy năm trước, khi lương tối thiểu còn ở mức dưới 2 triệu đồng/tháng với lao động ở vùng 1, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị bỏ luôn quy định này, vì nhiều khách hàng nước ngoài cho rằng lương tối thiểu thấp như vậy thì không lý gì họ phải trả phí gia công cao.
 
Tuy vậy, đến giờ không còn doanh nghiệp nào “kêu” nữa, vì nếu bỏ luôn, doanh nghiệp sẽ không còn dựa vào mức đó để đóng bảo hiểm xã hội mà phải đóng theo thu nhập thực, tức theo thu nhập tính thuế, lúc đó, chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn so với hiện nay.
Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo