Từ 29/10, trần lãi suất huy động và cho vay VND đồng loạt giảm
Từ 29/10, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống còn 5,5% trong khi lãi suất cho vay tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên còn 7%/năm thay vì mức 8%/năm như trước.
Chiều 28/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10 nhằm thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014.
Trần lãi suất huy động giảm 0,5%/năm, cho vay hạ 1%/năm
Thông tin quan trọng mà NHNN công bố tại cuộc họp là giảm lãi suất huy động và cho vay VND. Cụ thể, từ ngày mai (29/10), NHNN sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 1%/năm xuống 0,75%/năm.
Song song với giảm lãi suất huy động VND và USD, NHNN giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động VND đối với các kỳ hạn trên và trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, nhưng NHNN vẫn giữ ổn định các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Có mặt tại buổi họp, đại diện của 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV đều nhất trí điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp kể từ ngày mai. Theo các nhà băng này, giảm tiếp lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận của họ giảm sút nhưng họ sẵn sàng chia sẻ trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Tín dụng tăng trưởng 7,85%/năm
NHNN cho biết, tính đến ngày 24/10, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.
Sau khi điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN vào tháng 3/2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đến nay đã giảm 1,0-1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.
Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực giảm; đến ngày 9/10/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Tính đến ngày 24/10/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đại diện NHNN cho biết, với việc tín dụng tăng trưởng 7,85% trong 10 tháng, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu đề ra 12%-14%.
Theo HNM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Cột tin quảng cáo