Pháp luật

Từ chặt cây xanh Hà Nội đến lấp sông ở Đồng Nai

Hà Nội đã phải dừng việc thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh (với kế hoạch chặt 6.700 cây).

Đi cùng đó là nhiều quyết định mạnh tay với các cá nhân, đơn vị liên quan và tiến hành thanh tra toàn bộ quy trình thực hiện đề án. Trong sự vụ này, chính quyền đã cho thấy sự “cầu thị” của mình trước công luận, khi nhận thấy quyết định mình đưa ra không phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng.

 

Điều đáng tiếc ở đây là đáng lẽ “sự nhận ra” đó cần được thấy sớm hơn, trước khi đề án này được duyệt chứ không phải để đến lúc rất nhiều cây xanh bị đốn hạ và bị công luận lên tiếng dữ dội, chính quyền mới giật mình xem xét.

 

Một bài học kinh điển có lẽ cần phải nhắc lại ở đây là cần để “dân biết, dân bàn” đối với các quyết sách của chính quyền, nhất là trước những vấn đề ảnh hưởng không chỉ đến không gian đô thị mà còn là tình cảm, tâm hồn của người dân Hà Nội như cây xanh.

Cách xa Hà Nội hàng ngàn cây số, ở Đồng Nai mấy ngày qua dư luận cũng đã bày tỏ nhiều luồng ý kiến không đồng tình với chính quyền trong việc phê duyệt dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

 

Dự án lấp đi khoảng 7,7 ha mặt nước, ở một khu vực khá nhạy cảm, gần Cù Lao Phố - một dấu tích lịch sử - văn hóa gắn liền với sự phát triển của con người cũng như vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Như đã nói trên đây, bất kỳ một quyết định nào đó tác động đến tình cảm, tâm hồn của con người xứ sở thì phải hết sức cân nhắc và cẩn trọng thế nhưng các dữ liệu cho thấy rất ít người dân Đồng Nai, chí ít là dân hai bên bờ của dự án này đã chưa được biết và lý giải một cách thấu đáo về dự án trên.

 

Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hay chỉ có UBND phường Quyết Thắng, Ủy ban MTTQ cấp này và khoảng 20 người dân trong khu vực bị tác động trực tiếp được hỏi ý kiến. Đây là điều mà chính quyền tỉnh Đồng Nai phải có câu trả lời cho tường minh với chính người dân của mình.

Đó là chưa nói đến việc lấp sông này có khả năng ảnh hưởng đến liên vùng như nhận định của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN): “Việc xây dựng hạ tầng cơ sở lớn ở lòng sông sẽ tác động đến đoạn sông qua tỉnh Đồng Nai sẽ có những tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của các hệ sinh thái sông của toàn bộ lưu vực, ảnh hưởng đến các địa phương khác cùng chia sẻ dòng sông, trong đó có TP.HCM”.

 

Thế nhưng nhiều tỉnh, thành liên quan cũng chưa được tham vấn về dự án trên. Trước tình hình đó, VRN cũng đã khuyến cáo chính quyền Đồng Nai cần tạm ngưng dự án này lại để xem xét một cách thấu đáo các khả năng.

Bất kỳ một quyết định nào đưa ra, tất nhiên đều lấy mục tiêu phát triển là đích đến. Sự phát triển ấy cuối cùng phải phục vụ cho chính người dân của địa phương đó chứ không phải cho bất kỳ một lợi ích nào khác. Nếu không đáp ứng được điều đó thì đồng nghĩa với việc chính sách đó “thất bại”.

 

Chính vì điều này, người dân cần và có quyền được biết, được nói lên ý kiến của mình và nhiệm vụ của chính quyền là phải minh bạch thông tin, thuyết phục được dân chúng đồng thuận. Hy vọng rằng chính quyền Đồng Nai không quên điều đó, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

 

Theo Pháp luật TPHCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo