Pháp luật

Từ chuyện “vàng méo” bị ép giá, ngẫm chuyện “độc quyền” khổ ai?

Sau khi Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ có hiệu lực, thị trường vàng tiếp tục xôn xao vì vàng miếng SJC bị móp méo, không đủ tiêu chuẩn ép bao bì bị từ chối mua vào. Người dân bị ép giá thê thảm...

Đến đâu cũng bị “hắt hủi”

 

Sau nhiều ngày không thu mua vàng miếng SJC bị móp méo, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã tạm thời mua loại vàng miếng này với giá thấp hơn giá niêm yết 50.000đ/lượng, nhưng có giới hạn số lượng mua vào đối với mỗi giao dịch.

 

Việc giới hạn giao dịch của SJC khiến người nắm giữ vàng miếng SJC lo lắng. Vì chính SJC còn “chê”, không thu mua vàng miếng của công ty mình sản xuất thì chuyện các công ty vàng bạc khác mặc sức ép giá vàng bán ra cũng  là điều dễ hiểu.

Theo tìm hiểu của PV, tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... các tiệm vàng mua vàng miếng SJC bị móp méo với giá ở mức 39,5 triệu đồng/lượng. Tùy vào mức độ nguyên vẹn của các miếng vàng mà các tiệm vàng “ưu ái” mua với các mức giá khác nhau. Giá cao nhất mà họ mua vào cũng chỉ là 40,5 triệu đồng/lượng.

 

Theo lý giải của các tiệm vàng, họ mua vàng móp méo để làm nguyên liệu sản xuất nữ trang, chứ không bán được vì bị...  “chê”.

 

Chị Bùi Thị Mai (ngã tư An Dương, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 7/6, chị mang mấy chỉ vàng miếng bị móp một phần đến Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán, nhưng đơn vị này không mua. Trước đó, chị mang đến hỏi bán ở một số tiệm vàng ở khu vực đường Lê Thánh Tôn (Quận 1) nhưng mỗi nơi một giá.

 

Chị Mai mang vàng đến Công ty vàng bạc đá quý Kim Hoàn Sài Gòn (đường Phan Bội Châu), nhưng cũng chỉ được trả giá ở mức 40,05 triệu đồng/lượng, dù tại thời điểm này, giá vàng thu mua theo niêm yết của SJC đang ở mức 42,15 triệu đồng/lượng. Có nơi chỉ mua với giá 38,7 triệu đồng /lượng...

 

Theo lời kể của chị Mai, nhân viên của các tiệm vàng đều lắc đầu, từ chối vì vàng bị trầy xước, cong vênh. Chị Mai đành ngậm ngùi ra về vì nếu bán vàng với giá trên, chị thiệt mất 2,1 - 3,1 triệu đồng/lượng.

 

Không chỉ riêng chị Mai, rất nhiều khách hàng cùng rơi vào tình trạng lo lắng khi vàng bị “ép giá”. Chị Nguyễn Kim Duyên (Khâm Thiên, Hà Nội) than thở, mấy ngày qua chị mang vàng đến các đại lý của Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý tại Hà Nội để bán nhưng cũng đành phải ra về.

 

Chị Duyên rầu rĩ: “Nhân viên của các tiệm vàng bảo rằng chỉ mua được với giá vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, vì bây giờ không... dập lại được. Thế mới biết, không phải cứ giữ vàng miếng SJC thì yên tâm. Bởi mỗi lượng vàng của thương hiệu này khi bán có thể mất đến 2,5 triệu đồng nếu bị móp méo”.

 

“Độc quyền”... khổ ai?

 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Công Tường - phó trưởng Phòng Kinh doanh của SJC cho biết, công ty cũng “tiến thoái lưỡng nan” vì kể từ khi nghị định quản lý kinh doanh vàng (Nghị định 24) có hiệu lực (25/5), hoạt động sản xuất vàng miếng của SJC do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

 

“Chúng tôi không được phép sản xuất khi chưa có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước nên làm sao dám mua vàng móp méo”, ông Tường nêu ý kiến.

 

Đại diện của SJC cho biết, công ty đã mua khoảng 1.000 lượng vàng móp méo trong khi chờ trả lời từ Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép dập lại số vàng này. Chủ trương mua lại vàng miếng móp méo đang lưu thông trên thị trường nhằm tránh cho người dân thiệt hại khi bị các cửa hàng, đại lý ép giá.

 

Tuy nhiên, do số vốn có hạn nên trong trường hợp lượng vàng miếng móp méo trên thị trường quá nhiều mà Ngân hàng Nhà nước chưa có trả lời, công ty sẽ hạn chế hoặc ngưng mua. Bởi, theo ông Nguyễn Công Tường thu về mà không được phép dập lại thì vô cùng nguy hiểm. Giá vàng lại đang bấp bênh, rất khó cho SJC.

 

Khi SJC giới hạn mua vàng bị móp méo, thì ngay cả những đại lý lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý tại Hà Nội cũng kêu khó, kêu khổ.

 

Đại diện của phòng Kinh doanh Bảo Tín Minh Châu phân trần: “Không phải công ty không muốn mua mà vì Bảo Tín chỉ là một đại lý của SJC. Chúng tôi nhập của khách hàng, bán lại cho SJC. Họ trừ bao nhiêu chúng tôi trừ từng đấy. Nhưng có những thời điểm chúng tôi mang vàng lên gia công, SJC cũng không làm cho. Nếu là vàng rồng Thăng Long dù có rách vỉ, hay móp méo chúng tôi sẵn sàng nhận mà không lấy phí của khách hàng. Vì công ty tự dập và ép được. Tuy nhiên giờ bị cấm rồi thì không làm như thế được”.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, vàng miếng SJC hiện nay không chỉ là một miếng vàng bình thường, mà là một sản phẩm có quy cách nhất định của một doanh nghiệp. Có thể hiểu nó là một "đồng tiền vàng" có giá trị cao hơn một chút so với một miếng vàng có cùng trọng lượng. Sở hữu một "đồng tiền" vàng thì phải giữ gìn cho nó khỏi "rách". Khi tiền vàng bị rách, nó chỉ còn giá trị của một miếng  vàng bình thường.

 

Do vậy mà người ta chỉ mua nó như các miếng vàng khác, chứ không mua như giá vàng miếng SJC bình thường. Tiền rách muốn đổi lấy tiền lành đâu phải là đơn giản. Hơn nữa SJC là vàng “thương hiệu” do Ngân hàng Nhà nước quản lý.

 

Chị Lê Minh Tân (Quán Thánh, Hà Nội) phân trần: “Thương hiệu vàng SJC  rất có tiếng ở thị trường Việt Nam chứ không phải là "công ty vỉa hè". Vậy tại sao lại từ chối nhận lại sản phẩm của mình làm ra. Chuyện móp, méo do quá trình sử dụng cũng là chuyện bình thường. Công ty vàng SJC không nên đưa ra lý do quy định này quy định nọ mà từ chối nhận lại sản phẩm của mình, gây thiệt hại cho khách hàng. Điều đó là quá vô lý”.

 

Khi được hỏi vì sao lại “ép giá” vàng SJC, nhiều đại lý nhỏ lẻ cho biết, vấn đề chính ở đây la chuyện độc quyền. Chủ tiệm vàng H.N (Hà Nội) cho rằng: Tại thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có miếng vàng riêng của mình, trong khi SJC đang chiếm khoảng 95% thị trường vàng.

 

Ngân hàng Nhà nước cần phải có biện pháp linh hoạt giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. “Nếu vẫn giữ “độc quyền” như vậy, cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt”, chủ tiệm vàng H.N nói.

 

 

Theo NĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo