Quốc tế

Tự do hàng hải không phải đặc quyền của nước nào

Tại Đối thoại an ninh Châu Á lần thứ 11 (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore, các nước tham dự đều nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, đồng thời nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Mỹ không kiềm chế Trung Quốc



Phát biểu ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bác bỏ việc Mỹ bố trí lại hải quân ở Châu Á - Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc trên thế giới. Ông thừa nhận có sự khác biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về một loạt các vấn đề, trong đó có biển Đông, song hai bên cùng cam kết củng cố quan hệ đối thoại cũng như quan hệ quân sự.



Trước đó, ông Panetta đã công bố chi tiết chiến lược quân sự của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó cho biết Mỹ sẽ chuyển 60% hạm đội hải quân đến đây từ nay đến năm 2020. Hiện thời hạm đội hải quân Mỹ gồm 285 tuần dương hạm, khu trục hạm, chiến hạm cận duyên hiện đang được chia đều cho Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

 

Ngoài ra, 6 trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại Châu Á - Thái Bình Dương.



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tăng số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực. Theo các số liệu thống kê, năm 2011, Mỹ đã tiến hành 172 cuộc tập trận với 24 quốc gia tại Châu Á - Thái Bình Dương.



Phản ứng trước kế hoạch trên của Mỹ, Tân Hoa xã đăng bài bình luận cảnh báo Mỹ rằng “đây không phải là thời điểm để làm dậy sóng biển Đông”.



“Điều mà Mỹ cần làm là phải tự kiềm chế, không nên đổ dầu vào lửa và can dự vào cuộc tranh chấp ở những vùng biển mà chủ quyền thuộc về Trung Quốc” - bài báo viết và nói rằng Trung Quốc luôn mong biển Đông là vùng biển của hòa bình, thân thiện và hợp tác.



Không phải đặc quyền


An ninh hàng hải cũng là mối quan tâm của các quốc gia khác trong khu vực. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe tuyên bố, Nhật sẵn sàng mở rộng vai trò của nước này trong an ninh hàng hải khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để “làm cho trật tự hàng hải của khu vực trở nên ổn định và có khả năng dự báo hơn. Việc thiết lập một mạng lưới các quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ và một khuôn khổ an ninh đa tầng là điều mà chúng ta hiện đang theo đuổi”.



Ông cho rằng “các khuôn khổ an ninh đa phương không thể đảm bảo an ninh khu vực và Nhật tin rằng sự có mặt của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là sức mạnh hải quân, tạo ra cột trụ chủ chốt trong an ninh và ổn định khu vực”.



Thứ trưởng Watanabe cũng nhấn mạnh, sự có mặt của Mỹ không phải nhằm chống lại một quốc gia cụ thể nào, mà vì cả cộng đồng và Nhật hoan nghênh cam kết của Mỹ duy trì và củng cố sự có mặt trong khu vực.



Ông Watanabe cũng nói rằng “vai trò trung tâm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là không thể chối cãi, nguyên tắc tự do hàng hải tạo nên một trong những yếu tố cốt lõi của trật tự hàng hải dựa trên UNCLOS”.



Ông cũng nhắc lại rằng Nhật ủng hộ đàm phán quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.



Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony - trong phiên thảo luận về tự do hàng hải - khẳng định, tự do hàng hải không phải đặc quyền của bất kỳ nước nào hoặc nhóm nào: “Chúng tôi tin vào tự do hàng hải của tất cả các nước trong các vùng biển quốc tế, kể cả biển Đông. Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tự do hàng hải hoặc các vấn đề khác ở biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan thông qua đàm phán và đối thoại như luật pháp và thông lệ quốc tế đã công nhận”.



Bộ trưởng Antony nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải “nhạy bén trước các vấn đề của những quốc gia nhỏ hơn để bảo đảm quyền lợi cho họ, đồng thời cộng đồng quốc tế chớ có thờ ơ hoặc thoả hiệp”.



Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cũng đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch tăng cường hiện diện của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.

 

Tránh “tiêu chuẩn kép”.

 

Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc song phương trong khuôn khổ Đối thoại an ninh Châu Á, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đồng tình với quan điểm của các diễn giả rằng để bảo vệ tự do hàng hải và an ninh biển nhất thiết không được sử dụng sức mạnh quân sự, mà phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ông Nguyễn Chí Vịnh bổ sung rằng, khi tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế thì tất cả các nước đều phải có cách hiểu và luận giải giống nhau về luật pháp quốc tế. “Chúng ta thường nghe tới cụm từ “tiêu chuẩn kép”, đó chính là hậu quả của việc hiểu và luận giải không giống nhau về luật pháp quốc tế”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định “quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý phải được tôn trọng triệt để”.

Ông Vịnh cũng cho rằng không được sử dụng, đe dọa sử dụng sức mạnh “mềm” như cô lập kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. 

 

 

Theo Lao Động

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo