Thị trường

Tự do hóa lãi suất: Cánh cửa mới

Chúng ta đang có những điều kiện để có thể kỳ vọng khả năng tự do hóa lãi suất trong năm nay bởi chỉ số lạm phát đang được kiềm chế, cùng với đó, hệ thống ngân hàng đang được điều chỉnh, cơ cấu lại.

Ưu tiên bơm tiền ra nền kinh tế

Tín dụng năm 2013 dường như không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng trong năm 2014 NHNN vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt từ 12-14%. Trong đó, NHNN khẳng định sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêuchính sách tiền tệ. Điều đó, cho thấy NHNN đặt niềm tin rất lớn vào sự “ấm lên” của nền kinh tế trong năm tới.

Trong bối cảnh đó nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng kỳ vọng NHNN có thể xem xét “thả nổi” lãi suất. Và thời điểm mà NHNN có thể thực hiện được điều này là khi lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, bền vững. Đây chính là tiền đề để phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng trong năm tới.

Phải nói rằng, nền kinh tế Việt Namđang có những điều kiện để có thể kỳ vọng khả năng tự do hóa lãi suất trong năm nay. Bởi chỉ số lạm phát đang được kiểm soát một cách tốt đẹp, cùng với đó, hệ thống ngân hàng đang được điều chỉnh, được cơ cấu lại. Hiện tượng các ngân hàng yếu kém phải chạy ra ngoài huy động vốn, đẩy lãi suất lên cao để hấp dẫn huy động thì trong năm 2014 sẽ giảm. Rõ ràng trong một hệ thống ngân hàng lành mạnh, các ngân hàng quản lý đồng vốn của mình một cách chặt chẽ, hiệu lực hơn thì sẽ không cần phải tăng lãi suất lên để kéo vốn huy động vào. Lúc đó họ phải thể hiện năng lực tài chính của họ để hấp dẫn khách hàng

NHNN tuyên bố sẽ thả nổi lãi suất ở thời điểm thích hợp khi lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ và ổn định. Tuy nhiên, thả nổi lãi suất phải đi cùng điều kiện, đó là chấp nhận cho ngân hàng yếu kém phá sản. Có một thực tế là việc hạ lãi suất là điều cần thiết, nhưng chưa đủ với DN. Vì hạ lãi suất và tiếp cận nguồn vốn là hai vấn đề khác nhau. Dù NHNN có đẩy lãi suất xuống dưới 10%/năm, nhưng nếu các NHTM tiếp tục thắt chặt tín dụng, DN không có tài sản thế chấp, tình hình tài chính không ổn định, thì vẫn không thể vay vốn. Hạ lãi suất hiện không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu, mà việc ưu tiên hơn là làm sao để bơm tiền ra cho nền kinh tế.

Hỗ trợ DN xuất khẩu nhờ chính sách tỷ giá

Năm 2014, tỷ giá tiếp tục ổn định, mức điều chỉnh chỉnh khoảng 2% - 4%. Theo đó, tỷ giá USD/VND sẽ dao động ở mức khoảng 21.400 đồng - 22.000 đồng/USD nhằm hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể.

Trước hết, tỷ giá ổn định đã tác động tích cực đến tâm lý của người dân, tâm lý của thị trường tài chính. Người dân, giới đầu tư tin tưởng vào sự ổn định của đồng VN. Điều này làm giảm hẳn tình trạng người dân lựa chọn việc cất trữ tài sản của mình bằng việc mua ngoại tệ, góp phần đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong xã hội. Tỷ giá ổn định cũng như định hướng điều hành rõ ràng của NHNN giúp các NHTM cũng thuận lợi hơn trong thực hiện chiến lược kinh doanh ngoại tệ của mình.

Khi tỷ giá ổn định, hàng hóa nhập khẩu ổn định, các mặt hàng có tỷ trọng cao về sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu,… giá cũng ổn định. Không những vậy, các mặt hàngnông sản, thủy hải sản,… thu mua cho xuất khẩu, đặc biệt là lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, thủy sản,… cũng không biến động theo sự biến động của tỷ giá. Diễn biến đó thực tế góp phần lớn vào kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng trên thị trường xã hội (năm 2011 ở mức 18,13%; ổn định chỉ số này năm 2012 chỉ tăng có 6,81%; năm 2013 tăng 5,14%.

Một tác động quan trọng khác của tỷ giá là tính đến hết năm 2012 cán cân thanh toán tổng thể của VN thặng dư ở mức khá lớn, khoảng hơn 10 tỉ USD. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2013, cán cân thanh toán tổng thể của VN thặng dư khoảng 3 tỉ USD. Con số này được dựa trên cơ sở cán cân thương mại thâm hụt 3,3 tỉ USD, cán cân vãng lai thâm hụt 5,5 tỉ USD, cán cân vốn và tài chính thặng dư 10 tỉ USD. Song với diễn biến như hiện nay thì năm 2013, cán cân thanh toán tổng thể của VN dự báo thặng dư khoảng 7 – 8 tỉ USD.

Diễn biến nói trên tạo điều kiện cho NHNN VN mua được một lượng lớn USD trên thị trường cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Từ đó, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng sức mạnh của quốc gia, đưa lượng dự trữ ngoại hối đến hết năm 2013 lên khoảng trên 30 tỉ USD. Nhà nước đã huy động được một lượng ngoại tệ lớn trong dân vào đầu tư phát triển và điều hànhchính sách tiền tệ.

Khi tỷ giá VND/USD ổn định, giá vàng ổn định, sẽ có tác động ổn định tâm lý, làm giảm tâm lý lạm phát, bởi vàng và USD thường được chọn là nơi trú ẩn mỗi khi lạm phát cao. Cuối cùng, tỷ giá ổn định tác động tích cực đến nợ nước ngoài của VN nói chung vànợ côngnói riêng. Bởi vì, nếu như tỷ giá chỉ cần tăng thêm 3-4%, mỗi năm số nợ của nước ta tính ra nội tệ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, bằng số thu ngân sách một năm của trên 10 tỉnh miền núi.

Chính sách điều hành tỷ giá năm 2014 đã được NHNN thông qua, tuy nhiên điều hành tỷ giá cần phối hợp chặt chẽ và linh hoạt với các công cụ khác trong điều hành chính sách tiền tệ.

Cùng với quá trình tự do hóa lãi suất, các công cụ lãi suất chính sách cũng cần từng bước được đổi mới, dần phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hình thành được các mức lãi suất chỉ đạo theo tín hiệu thị trường, nâng cao tính hiệu quả của cơ chế chuyển tải chính sách tiền tệ thông qua kênh lãi suất. Theo đó, cần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn để các NHTM có cơ sở xác định lãi suất phù hợp, qua đó hỗ trợ DN bứt phá trong năm 2014, dù nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo