Tự do kinh doanh và nỗi ám ảnh gián đất
Doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng nếu thả cửa hoàn toàn yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh đối với doanh nghiệp thì cơ chế hậu kiểm có gánh nổi hệ lụy sau đó?
Mất tiền tỷ vì kinh doanh “nhầm” cấm
Đầu tháng 3, các dân ở xã Quang Phú, tỉnh Bắc Ninh đã tiêu hủy hàng tấn gián đất. DN phải rút lại, xóa bỏ ngành nghề kinh doanh loại côn trùng này trong giấy phép. Giấc mơ về lợi nhuận béo bở biến mất, cuốn theo hàng trăm triệu đồng đã đầu tư, chỉ vì, người dân và DN đã kinh doanh nhầm vào ngành nghề bị cấm.
Điều ngang trái nhất là trước đó, Sở KHĐT tỉnh Bắc Ninh đã cấp phép kinh doanh cho DN. Đến mức, DN này đã tưởng “ngon ăn”, chi 2 tỷ đồng, định mở rộng đầu tư và xin Sở cho bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi gián đất vào Chứng nhận đăng ký thành lập DN.
Đó là trường hợp "gặp nạn kinh doanh" của ông Nguyễn Đình Nguyên, Giám đốc công ty cơ khí thương mại Hoàng Hiệp. Dẫn lại vụ việc này, Luật sư Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật sư Leadco bình luận, chỉ vì sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà hệ quả, nhà đầu tư phải chịu thiệt hại lớn. Rủi ro này khó mà đo đếm được, bởi việc kinh doanh trước đó đều hoàn theo thực hiện theo đúng thủ tục.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương soạn thảo đang được bàn luận liên tục trong 2 tháng qua. Nhân dịp này, Luật sư Quang cho rằng, cần triệt để sửa đổi để tránh những rủi ro thiệt hại như vậy.
“Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải được nhất thể hóa trong một văn bản do Chính phủ ban hành, để nhà đầu tư tiện tham chiều. Vụ việc kinh doanh gián đất cho thấy, nếu như tách đăng ký thành lập doanh nghiệp, với việc đáp ứng điều kiện kinh doanh cũng sẽ gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, hệ lụy có thể là tác động xấu, bởi nhà đầu tư kinh doanh khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cần thiết”, ông Quang nói.
Mới đây, Bộ KHĐT cũng đề nghị, Chính phủ chỉ cần ban hành hệ thống mã số các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cập nhật theo thời gian, thay vì hệ thống mã các ngành nghề kinh tế hiện nay. Các doanh nghiệp cũng dễ dàng tham chiếu, tránh khỏi rủi ro sai lầm.
Lo khó hậu kiểm
Một điểm mới đang gây tranh cãi khác trong dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi là vấn đề đăng ký kinh doanh.
Theo giới thiệu của Ths Phan Đức Hiếu, Phó Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), dự luật bãi bỏ hẳn việc phải đăng ký ghi ngay ngành nghề kinh doanh khi xin thành lập doanh nghiệp, trừ những ngành có điều kiện. Đồng thời, luật cũng xóa bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, ví dụ như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề của thành viên ban giám đốc, hay xác nhận vốn pháp định…
Tuy nhiên, hướng cởi mở này đang khiến nhiều nhà nghiên cứu luật lo ngại.
Một chuyên gia trong ngành luật băn khoăn, tinh thần của ta là không cấm kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Nhưng nếu loại bỏ cụ thể ngành nghề kinh doanh ghi trong giấy phép thành lâp doanh nghiệp như hiện nay thì cần phải cẩn trọng, xem xét lại. Nếu không, tất cả các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh và gây ra lãng phí nguồn lực. Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát.
Luật sư Quang dự báo, khi đó, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ được thỏa mãn ngay cơn khát thành lập doanh nghiệp. Số lượng đăng ký doanh nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. Nhưng liệu mọi việc sẽ suôn sẻ vậy không? Hay chỉ là chiêu giấu bụi dưới thảm?
“Có thể một số DN sau khi thành lập, sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc kiểm tra tuân thủ và gây tác động xấu tới xã hội”, ông Quang cho biết.
Theo ông, điều kiện kinh doanh chính là để sàng lọc, loại bỏ những nhà đầu tư thiếu năng lực. Việc gắn kết giữa thành lập DN và điều kiện kinh doanh cũng chính rào cản giúp các nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí… Rào cản đó còn giúp cơ quan nhà nước không phải hậu kiểm các nhà đầu tư trong việc mở doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh cần điều kiện.
TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng thừa nhận, hiện đang có nhiều bộ, hiệp hội lo lắng về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông, thủ tục đăng ký ngành nghề ngay khi thành lập doanh nghiệp đang tạo ra nhiều rủi ro, phiền hà không cần thiết. Mặc dù chúng ta vẫn theo tinh thần, DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng lại phải đăng ký và ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu không được ghi là mà doanh nghiệp lại tham gia kinh doanh thì sẽ là không hợp pháp, DN có thể bị bị xử phạt hành chính thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi có tranh chấp thì những hợp đồng làm ăn rất dễ bị tuyên bố vô hiệu chỉ vì vấn đề này.
Ông Cung cho rằng, điểm mới này chính là một bước tiến lớn đối của DN. Cơ hội kinh doanh mở ra cho mọi người dân mà không có hạn chế nào. Môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ thu hút đầu tư. Việt Nam cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh. TP HCM đã khẳng định, nếu không còn yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh thì công việc của họ giảm đi 1/3.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt
Cột tin quảng cáo