Quốc tế

Tư nhân hóa chiến tranh

Từ hơn một thập niên qua, các cuộc chiến tranh kéo dài đã biến nhiều quốc gia trở thành “mỏ vàng” của các công ty quân sự tư nhân.

Tại Afghanistan hay Iraq, quân đội Mỹ và Anh “chia sẻ” hoạt động của mình ngày càng nhiều cho các công ty quân sự tư nhân, nhất là trong bối cảnh các bên đang tiến tới rút hết quân khỏi hai chiến trường này. Nhờ đó, các công ty quân sự đang nở rộ trên thế giới với khoảng 1 triệu nhân công.

 

Theo tờ L’Express, nếu gom lại, đây có thể xem là lực lượng quân sự lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Khởi đầu từ hơn hai thập niên trước, đến nay thị trường dành cho các dịch vụ quân sự tư nhân lên đến khoảng 170 tỉ euro/năm. Con số này khiến nhiều nước muốn tham gia vào mảnh đất trước nay hầu như chỉ có các công ty Anh, Mỹ khai thác.

 

Chủ trương của quân đội Pháp cho đến nay là không giao bất cứ phần việc nào cho tư nhân, tránh bị xem là vi phạm điều luật cấm sử dụng lính đánh thuê của nước này. Tuy nhiên, Ủy ban quốc phòng thuộc Hạ viện Pháp vừa kêu gọi ủng hộ phát triển các công ty quân sự tư nhân vì “thế giới đang tiến nhanh trong lĩnh vực này và chúng ta phải xây dựng hình mẫu riêng để không bị bỏ lại”, theo tờ Le Monde. Điện Élysée cũng bắt đầu xem xét kiểm soát và chuẩn hóa để cho phép tư nhân tham gia một số công tác quân sự. 

 

Tăng tầm ảnh hưởng

 

Công ty quân sự tư nhân bài bản đầu tiên trên thế giới là Executive Outcomes được một cựu đặc nhiệm người Nam Phi thành lập năm 1989, theo L’Express. Đặt trụ sở ở Angola, công ty này hợp tác với chính phủ các nước châu Phi trong việc trấn áp các phe chống đối vũ trang. Đến đầu thập niên 1990, Military Professional Resources Inc., công ty quân sự tư nhân đầu tiên của Mỹ được thành lập, chuyên cung cấp dịch vụ huấn luyện cho các nước thuộc Liên Xô trước đây muốn xây dựng lại quân đội theo tiêu chuẩn của NATO để có thể gia nhập tổ chức này.

 

Trong giai đoạn đầu, các công ty quân sự tư nhân chủ yếu đảm nhận lắp đặt, bảo trì thiết bị, tiếp tế quân nhu. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, tỷ lệ nhân viên của các công ty này so với binh sĩ Mỹ là 1/100. Đến năm 2003, tỷ lệ này trong cuộc chiến tại Iraq là 1/10. Và trong năm ngoái, theo tờ The New York Times, tỷ lệ này tại Afghanistan đã là 113.000 nhân viên an ninh dân sự - 90.000 binh sĩ Mỹ. Với kế hoạch rút quân ở Iraq và Afghanistan do Tổng thống Barack Obama công bố, chênh lệch này chắc chắn sẽ còn tăng và vai trò của các công ty quân sự tư nhân sẽ ngày càng lớn.

 

Có nhiều nguyên nhân để Lầu Năm Góc hợp tác với các công ty quân sự tư nhân. Khoảng 80% nhân công của các hãng này là dân bản xứ nên sẽ giúp tiết kiệm lương bổng khi giao toàn bộ những việc quân sự “bên lề” cho họ. Bên cạnh đó, số lượng thương vong của nhân viên quân sự tư nhân sẽ không được tính trong các thống kê chính thức, vì vậy có thể giúp chính phủ tránh bị chỉ trích. Trong năm 2011, số lượng “lính đánh thuê” thiệt mạng nhiều hơn binh sĩ Mỹ (430 người so với 418), theo The New York Times.

 

Tuy nhiên, đang có nhiều lo ngại rằng chiều hướng liên kết ngày càng chặt chẽ giữa quân đội Mỹ với các hãng tư nhân có thể dẫn đến một số hậu quả tiêu cực. Tờ Washington Post dẫn báo cáo của Ủy ban Điều tra thuộc Hạ viện Mỹ cho biết việc Lầu Năm Góc quản lý không chặt chẽ hợp đồng với các công ty quân sự tư nhân đã gây lãng phí khoảng 30 tỉ USD và gây ra nguy cơ tham nhũng tại Iraq và Afghanistan. 

 

Lính đánh thuê hiện đại

 

Theo Le Monde, hoạt động của các công ty quân sự tư nhân tại các khu vực giao tranh ngày càng đa dạng: xây dựng, đảm bảo hoạt động các thiết bị quân sự; dò mìn; bảo vệ yếu nhân và trụ sở các cơ quan, tổ chức. Một thế mạnh khác của các hãng tư nhân là huấn luyện kỹ thuật quân sự. Mới đây, Tập đoàn Academi (trước đây là Blackwater) đã ký được hợp đồng trị giá 500 triệu USD để giúp UAE thành lập lực lượng đặc biệt. Sự gia tăng hoạt động của cướp biển cũng giúp các hãng này mở thêm dịch vụ đảm bảo an ninh cho các công ty vận tải hàng hải.

 

Với tần số xuất hiện ngày càng cao, nhân viên của các công ty quân sự tư nhân đang bị chỉ trích là hành động vượt quyền và trở thành những “lính đánh thuê” thực thụ.

 

Đỉnh điểm của tai tiếng là vụ các nhân viên của Blackwater, một trong những tập đoàn quân sự tư nhân lớn nhất thế giới, giết chết 17 dân thường ở Baghdad vào giữa tháng 9.2007. Sau đó, Blackwater bị cấm hoạt động tại Iraq nhưng vẫn hợp tác về tình báo với Mỹ ở Afghanistan. Theo L’Express, hãng này (hiện đã đổi tên thành Academi) có căn cứ bí mật ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan để điều máy bay không người lái đến các vùng hoạt động của Taliban. Những thông tin thu thập được sẽ chuyển về để quân đội Mỹ lập kế hoạch tấn công.

 

Bên cạnh đó, dư luận Afghanistan đang cực kỳ phẫn nộ sau vụ lính Mỹ thảm sát 16 dân thường hồi cuối tuần trước. Từ đó đã nảy sinh lo ngại rằng binh sĩ “thật”, vốn phải tuân theo kỷ luật quân đội, mà còn có hành động đẫm máu như vậy thì ai có thể bảo đảm các nhân viên quân sự tư nhân sẽ bị kiềm chế để không gây ra những vụ việc tương tự như tại Iraq hồi năm 2007?

 

Theo TN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo