'Tú ông' tuổi teen và nỗi ân hận muộn màng
Vùi mình sau song sắt của nhà tù ở cái tuổi đẹp nhất của đời người từ tuổi 17, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Tô Thanh Tùng, sinh năm 1994, trú tại thôn Đông, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang phải trả giá cho hành động phạm pháp của mình.
Những ngày thụ án trong trại giam là khoảng thời gian Tùng đối diện với chính mình để ngẫm nghĩ những ngày đã qua, sắp tới và nghĩ đến người thân. Nhắc đến mẹ, với ánh mắt lặng lẽ, tủi hổ, Tùng cảm thấy lương tâm cắn rứt.
“Nhìn mẹ già đi, xanh xao tiều tụy em thấy nao lòng. Em không muốn làm một điều gì dại dột nữa để cha mẹ phải buồn khổ thêm”, Tùng tâm sự.
Ở trại tạm giam Quảng Ninh, hỏi đến Tô Thanh Tùng, không ai là không biết đó là một trong những phạm nhân trẻ tuổi nhất trại đang thụ án với tội danh Hiếp dâm trẻ em và môi giới mại dâm.
Đó là một gã trai trẻ với gương mặt trắng trẻo, khá dè dặt khi nói về bản thân mình nhưng sẽ khiến người ta giật mình khi đọc hồ sơ của anh ta. Một đứa trẻ ranh nhưng quá trải đời với những điều xấu xa không hề nhỏ.
Sinh ra trong một gia đình buôn bán nên ngay từ lúc bé, Tùng đã tỏ ra khôn ngoan, tháo vát hơn hẳn so với các bạn cùng tuổi. Tuy nhiên do sớm tiếp xúc với tiền bạc nên anh ta sớm có những suy nghĩ lệch lạc khi cho rằng đồng tiền làm ra tất cả.
Theo lời anh ta thì ngay từ ngày còn học cấp 2, Tùng đã biết kiếm tiền từ những việc rất nhỏ nhặt như cho thuê khăn đỏ, chép bài thuê và kể cả làm bài thuê, thi thuê…tất cả đều được Tùng quy thành tiền. Thường xuyên bỏ học để đi “buôn” kiếm tiền, Tùng “qua mặt” được bố mẹ bởi năm nào anh ta cũng đạt học sinh tiên tiến trong khi thực chất kiến thức đó đều là vay mượn và do thuê bạn làm bài hộ.
Đến năm học lớp 9, kiến thức bắt đầu khó nhưng Tùng không thể quay lại được vì bỏ học quá nhiều nên không thể theo kịp các bạn nữa. Sức học đuối dần, Tùng lại càng đâm nản nên số buổi đi học ít dần.
Đến lúc này bố mẹ Tùng mới biết chuyện nhưng mọi biện pháp từ khuyên răn đến đánh đòn và cấm vận tiền nong cũng không làm sao có thể khiến Tùng quay lại trường học. Việc tốt khó làm, việc xấu khó bỏ. Kết quả là Tùng không thể qua được hết lớp 9.
Xấu hổ với bạn bè vì việc học hành đứt đoạn, Tùng bỏ nhà ra Hà Nội lăn lộn kiếm tiền bằng đủ các thứ nghề, từ phụ hồ ve vôi đến phục vụ quán ăn nhà hàng, rồi làm thợ phụ lắp sàn gỗ - thạch cao …
Không phải bố mẹ Tùng không đủ tiền để nuôi con mà vì Tùng không muốn ở nhà, muốn chứng tỏ rằng mình dù sự nghiệp học hành chẳng ra sao, vẫn có thể kiếm sống tốt. Lúc đầu chỉ là bươn chải một mình, nhưng từ khi quen và đem lòng yêu Thu, cô bé học cùng trường, Tùng đã rủ rê cô về thủ đô sống thử.
Thu bỏ học theo Tùng ra Hà Nội, hai đứa trẻ mới lớn ghép lại với nhau như một gia đình. Hàng ngày Tùng đi làm đủ các thứ nghề để kiếm sống, Thu ở nhà lo nội trợ giặt giũ. Anh ta đang say trong hạnh phúc trẻ con ấy thì Thu nhận được thư nhà.
“Đọc thư của Thu mà em cũng khóc vì cảm động quá. Mẹ Thu nhớ con và muốn cô ấy quay về tiếp tục đi học, chuyện chồng con đợi khi nào có công danh rồi tính… Những lời quan tâm của người mẹ với con cái khiến em ao ước mình cũng được như thế. Chính em cũng động viên cô ấy quay về”, Tùng tư lự.
Sau khi tiễn người tình trẻ trở về quê, cuộc đời Tùng bắt đầu cuốn vào vòng quay hoang dại. Bao nhiên tiền kiếm được cũng chỉ đổ vào các phi vụ tìm kiếm bạn tình, những cuộc tình sớm nở tối tàn, lâu thì vài tháng, ngắn thì vài ba hôm.
Với bạn tình nào gã trai trẻ cũng cháy hết mình để rồi đến khi không thể gắng gượng được nữa, mọi sự lăn lộn cũng không thể đáp ứng được cho những cuộc tình liên miên, những thói ăn chơi thác loạn, anh ta đành rời bỏ chốn đô thành tìm đường về quê.
Về lại quê hương, Tùng vẫn tiếp tục cuộc sống ăn chơi, trác táng. Một lần có 2 người bạn làm ăn của bố đến chơi là Bùi Thế Hanh (1977) ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương và Văn Lô (1971) quê ở xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, Tùng lân la trò chuyện. Khi biết hai ông chú lắm tiền nhưng đang cần tình, muốn được “bóc tem” các cô gái trẻ, một ý nghĩ thô bỉ thoáng qua trong đầu Tùng.
Anh ta tính chuyện sẽ tìm gái cho hai người bạn của bố và “món hàng” mà Tùng nghĩ tới, chẳng phải ai xa lạ mà đó chính là cô người yêu cũ Trần Ngọc Hà. Sau khi gặp gỡ, đưa đẩy qua lại vài câu, Tùng đặt thẳng vấn đề với Hà. Cô gái chết lặng đi không muốn tin vào tai mình khi nghe gã người yêu cũ nói: “Có người muốn vui vẻ cùng em”.
Bị Hà từ chối, Tùng tìm đến một cô người yêu khác là Nguyễn Thị Kiều Oanh nhờ tác động. Biết Hà vẫn còn rất yêu Tùng, có thể hết lòng vì người yêu, Oanh ỉ ôi: “Tùng và chị bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà, lại không có tiền nên bọn chị bây giờ đang phải lang thang dật dờ chỗ nọ chỗ kia. Nếu còn yêu Tùng, em giúp bọn chị, chỉ vào nhà nghỉ rồi vui vẻ một chút với ông ấy, ông ấy hứa là sẽ cho chúng ta nhiều tiền… Em giúp Tùng thì Tùng sẽ không bao giờ bỏ em đâu”.
Dù trong lòng còn rất phân vân, nhưng mù quáng vì yêu, Hà đã mềm lòng để Tùng và Oanh kiếm tiền trên thân xác của mình.
Ngay trong ngày hôm đó, hai kẻ bất lương đã đi sắm sanh vài bộ đồ đẹp cho cô gái trẻ để nâng giá mặt hàng, chúng ngã giá với 2 người đàn ông kia mỗi lần mua dâm phải chi trả 500.000 đồng. Đúng 16 giờ chúng chở Hà đến nhà nghỉ Hải Hà nằm trên địa bàn xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để bán dâm.
Không chỉ có Hà bị Tùng dụ dỗ làm gái bán dâm mà cả cô người yêu mới lớn là Nguyễn Thị Lan cũng bị gã trai họ Sở này biến thành công cụ kiếm tiền cho anh ta.
Sau khi tạo dựng lòng tin và chiếm được sự trong trắng của Lan, Tùng đã đẩy ngay cô gái tội nghiệp vào vòng tay tên giám đốc giàu có để mua vui. Để phong phú nguồn hàng phục vụ các ông chú giám đốc giàu có, Tùng lôi kéo Hà dụ dỗ cô gái mới lớn Hoàng Thị Thủy (17 tuổi) đi đáp ứng cho khách…
Mong được tha thứ
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, những việc làm tội lỗi của gã trai mới lớn cuối cùng cũng bị phát hiện. Với hành vi hiếp dâm trẻ em và môi giới mại dâm, Tùng bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 13 năm tù giam, thi hành án ở trại giam Quảng Ninh.
Những lời khuyên của cha mẹ chỉ như cơn gió thoảng qua, con đường lầm lạc là do Tùng tự chọn cho mình. Thế nhưng khi được hỏi, anh ta lại ngụy biện tại “dòng đời đưa đẩy”. Nghe anh ta nói câu đó, chúng tôi chỉ muốn cho anh ta một cái tát mà nói rằng chẳng có dòng đời nào đưa đẩy hết. Những kẻ sống trên sự đau khổ, thân xác của người khác chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị.
13 năm không phải là ngắn nhưng cũng chưa muộn để làm lại cuộc đời nếu biết nhìn nhận lại mình để sửa sai và hướng thiện. Chắc chắn Tùng cũng mong muốn ngày trở về được sống hòa đồng với mọi người, không bị ai khinh rẻ, xa lánh.
Tùng mơ ước sau này sẽ có một cái nghề lương thiện để kiếm sống. hỏi anh ta thích làm gì, Tùng trả lời ngay: “Em thích làm nghề sửa chữa điện tử, điện thoại”. Chắc hẳn những ngày trong trại giam, Tùng đã suy nghĩ rất nhiều. Và có thể những cảnh đời của mỗi thân phận trong tù và hình ảnh người mẹ còm cõi hàng tháng lên thăm con đã tác động lớn đến suy nghĩ của Tùng, khiến anh ta không còn sống vô tâm, ích kỷ như trước nữa.
Cổ nhân có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, sẽ chẳng ai khước từ hắn cơ hội được trở lại làm người lương thiện, chỉ mong rằng 13 năm trong trại giam hắn sẽ học được nhiều điều hay lẽ phải mà hắn đã bỏ qua trong quãng đời nông nổi của mình.
Chỉ cần cố gắng, hy vọng và hướng thiện hắn sẽ tìm được lối ra giúp hắn hoàn lương. Bất cứ một kẻ tội lỗi nào cũng có thể thay đổi được vận mệnh của cuộc đời mình, chỉ cần một bàn tay chìa ra, một tia sáng rọi đường cho họ bước ra khỏi bóng tối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo