Xã hội

Từ tháng 10: Cấp thử nghiệm mã số công dân

Tại buổi Hội thảo khoa học mã số định danh cá nhân, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát về quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, sẽ cấp thử nghiệm "Số định danh cá nhân" bắt đầu từ tháng 10.

Tại hội thảo, ông Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (C72), cho biết: Số định danh cá nhân (còn gọi là: Mã số cá nhân) gồm 12 số tự nhiên, sẽ được đồng thời là dẫy số trên giấy CMTND mới đang được cấp thí điểm tại Hà Nội.

Theo đó, dãy 12 số này có cấu trúc hàm chứa mã số đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố hoạc mã Quốc gia trên thế giới. Là nơi công dân khai sinh, trong đó chứa năm sinh, giới tính của người được cấp. Theo ông Phú, phương án này được tham khảo từ kinh nghiệm của 30 nước và đáp ứng được tiêu chí là số duy nhất, không trùng lặp, ổn định lâu dài.

Theo dự kiến, 12 chữ số trong CMTND mẫu mới sẽ được giữ lại làm Mã số công dân của cá nhân được cấp

Theo dự kiến, 12 chữ số trong CMTND mẫu mới sẽ được giữ lại làm Mã số công dân của cá nhân được cấp

Theo đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, căn cứ mức tăng dân số bình quân thì dãy 12 chữ số mà Bộ Công an đang dự định dùng làm số định danh cá nhân đủ để đảm bảo cấp cho hơn 500 năm.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát về quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội, cho biết: Từ tháng 10, Bộ Công an dự kiến sẽ thực hiện cấp thí điểm mã số công dân ở TP. hải Phòng. Theo đó, tại địa phương này, việc cấp đổi CMTND được xác định là cấp mã số công dân. Cùng với đó, cơ quan Công an sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để sau đó người dân có thể sử dụng mã số công dân trong các giao dịch hành chính

"Thống kê của nhiều cơ quan chức năng cho thấy, khi có mã số công dân sẽ tiết kiệm được khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc tiết kiệm giảm các loại giấy tờ, bản sao thủ tục hành chính. Ví dụ như Hải Phòng, khi đã có Mã số công dân, người dân muốn xác nhận một loại giấy tờ thủ tục nào đó thì chỉ cần mang CMTND là đủ, không phải mang hộ khẩu, giấy khai sinh hoạc các bản sao như trước đây nữa. Vì Mã số công dân được xem như là chìa khóa để mở hồ sơ công dân trong cơ sở dữ liệu Quốc gia", ông Vệ nói.

Tại hội thảo, vấn đề về người chuyển giới, lưỡng tính, được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nêu: Mã số cá nhân chỉ đặt ra việc phân biệt Nam - Nữ là chưa ổn vì những người chuyển giới, lưỡng tính đang dần được pháp luật chấp thuận. Từ đây, sẽ dẫn đến phát sinh những vấn đề tranh cãi, rắc rối về sau.

Ông Bùi Xuân Huấn - Cục phó Cục Tin học nghiệp vụ (Bộ Công an) cho rằng việc làm sao để đảm bảo quyền lợi của cả nhóm người chuyển giới là không đơn giản, bởi Mã số công dân chỉ được cấp 1 lần duy nhất, không thể thay đổi lại

Trả lời vấn đề này, Đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng C72, cho rằng: Đến thời điểm này, pháp luật chưa công nhận chuyển đổi giới tính. Hơn nữa, số đinh danh được cấp cho công dân ngay từ khi sinh ra, khi đó chỉ có giới thính là Nam hoạc Nữ. Sau này nếu pháp luật cho phép và công dân nào đó được chuyển đổi giới tính sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu, còn Mã số công dân sẽ không thay đổi.

Chưa đồng tình với quan điểm trên, vị đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lưu ý khi mang CMTND ra đường hoạc đi giao dịch dân sự, người chuyển giới sẽ gặp nhiều khó khăn, phiền phức. Bởi vậy, cần phải xem xét trong dẫy số đó có nên quy định về giới tính hay không? - Vị Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đặt ra câu hỏi

Bùi Vương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo