Cảnh báo chiêu trò lừa đảo học bổng du học tinh vi tại Đà Nẵng
Những thông tin trên CCCD tuyệt đối không được để lộ kẻo rước họa vào thân / Sau sáp nhập tỉnh, thành, những loại giấy tờ nào cần đổi, giấy tờ nào vẫn sử dụng bình thường?
Theo thông tin từ Công an Đà Nẵng, từ cuối năm 2024 đến nay, tình trạng mạo danh các trường đại học để thực hiện hành vi lừa đảo trong tuyển sinh du học đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Một số thủ đoạn phổ biến được ghi nhận gồm: làm giả các thông báo hoặc thư mời tham gia chương trình học bổng với đầy đủ logo, con dấu và chữ ký giả mạo của hiệu trưởng các trường đại học cũng như cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng mạng xã hội hoặc email giả mạo (mang danh Phòng Hợp tác Quốc tế của các trường) để phát tán thông tin quảng cáo, mời gọi sinh viên tham gia chương trình trao đổi sinh viên hoặc du học ngắn hạn.
Ngoài ra, một số đối tượng còn trực tiếp mạo danh cán bộ của Phòng Hợp tác Quốc tế, chủ động gọi điện cho những người có nhu cầu du học để tư vấn và thuyết phục. Lợi dụng tâm lý mong muốn cho con đi du học của nhiều phụ huynh, các đối tượng tạo áp lực tâm lý, thúc giục chuyển tiền ngay với lý do đang có danh sách chờ và nếu chậm trễ sẽ mất suất học bổng.
Hậu quả của các vụ việc là không nhỏ. Nhiều sinh viên và phụ huynh tại cả khu vực thành thị và nông thôn – đặc biệt là những người thiếu kiến thức về du học chính thống – đã bị lừa đảo với số tiền lớn, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Một trường hợp điển hình vừa xảy ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng). Một đối tượng đã gửi thông báo giả mạo đến sinh viên với nội dung thông báo “Trúng tuyển chương trình tuyển sinh trao đổi sinh viên Việt Nam và Trường Đại học Hosei (Nhật Bản)”. Thông báo nêu rõ sinh viên sẽ được miễn toàn bộ học phí và nhà ở thông qua học bổng, tuy nhiên gia đình phải chứng minh tài chính với tài khoản có số dư 200 triệu đồng. Tin tưởng vào thông tin này, gia đình đã chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản của sinh viên. Rất may, sau đó sinh viên phát hiện dấu hiệu bất thường nên đã trình báo với Phòng Công tác sinh viên và được xác nhận rằng thông báo là giả mạo.
Không chỉ riêng Đại học Sư phạm Kỹ thuật, tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng), khi một số sinh viên bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển học bổng toàn phần từ các chương trình không rõ nguồn gốc.
Trước thực trạng này, Công an thành phố Đà Nẵng đã đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền và cảnh báo đến toàn thể sinh viên, nhằm nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa trước các thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng gia tăng và tinh vi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ảnh minh họa.