Tư vấn pháp luật

Điều kiện nâng hạng giấy phép lái xe: Còn bất hợp lý?

Ông Phan Hoàng Duy (Cà Mau) là tài xế, có giấy phép lái xe hạng C. Hiện ông muốn nâng lên giấy phép lái xe hạng E. Theo quy định thì điều kiện nâng hạng giấy phép lái xe là phải đủ 5 năm hành nghề và lái đủ 100.000 km an toàn.

Thời gian hưởng trợ cấp một lần không tính cộng nối BHXH / Điều kiện cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Tuy nhiên, trong quá trình lái 5 năm, ông Duy có vi phạm luật giao thông đường bộ nên bị tước giấy phép lái xe trong thời gian 2 tháng (19/10-19/12/2016) và theo quy định trong Thông tư 38/2019/TT-BGTVT thì ông không đủ điều kiện lên hạng trong năm nay.
Ông Duy hỏi, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ tháng 12/2019 nhưng lại áp dụng luôn với những vi phạm của năm 2016 có đúng không? Và cũng theo quy định đối với những tài xế muốn lên hạng từ C lên E phải lái đủ 100.000 km an toàn, vậy ai là người sẽ xác thực tài xế đó lái đủ 100.000 km an toàn hay theo quy định người không bị tước giấy phép lái xe trong thời gian 5 năm thì sẽ đủ km an toàn?
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giả sử có người có giấy phép lái xe hạng C nhưng không lái xe thường xuyên, khi đủ ngày tháng người đó đăng ký lên hạng E thì lại hợp pháp (ít lái và sẽ ít va chạm và ít bị xử phạt), như vậy có sự không hợp lý là người lái xe “cứng” thì ít cơ hội lên hạng xe hơn người lái xe yếu.
Về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Khoản 5 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ quy định người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian và số kilomet lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.
Điểm d Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe quy định người học để nâng hạng C lên E phải có đủ thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên và 100.000km lái xe an toàn trở lên.
Điểm đ Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo các quy định hiện hành nói trên, thì người có nhu cầu học nâng hạng giấy phép lái xe phải đáp ứng 2 điều kiện gồm: Thời gian hành nghề lái xe và số km lái xe an toàn.
Theo Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe được coi là hành vi lái xe không an toàn, nên kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải là phù hợp.
Căn cứ xác định số km lái xe an toàn
Việc xác định số km lái xe an toàn căn cứ theo bản khai của người có nhu cầu học nâng hạng quy định tại Phụ lục 8 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT về mẫu Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn, theo đó người khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai; trường hợp phát hiện có hành vi gian dối thì bị cơ quan cấp giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe, còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu (Khoản 14 Điều 33 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung tại Điểm b Khoản 19 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT).
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm