Nữ sinh viên bỏ rơi con trong khe tường sẽ bị xử lý như thế nào ?
11 trường hợp sẽ bị thu hồi đăng ký và biển số xe từ 1/8/2020 / Khai báo gian dối để được xét nghiệm COVID-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến bé sơ sinh bị bỏ rơi ở giữa khe tường, ngày 21/8, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết đã xác định được người mẹ bỏ rơi cháu bé.
Theo đó, sau khi nhận được thông tin, cơ quan công an đã tiến hành xác minh, điều tra. Đến ngày 21/8, cơ quan công an xác định người bỏ rơi trẻ sơ sinh là N.K.H. (20 tuổi, trú tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình). H. hiện là sinh viên học năm thứ 2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tại cơ quan công an, H. thừa nhận có thai ngoài ý muốn khi đang là sinh viên. H. lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu bạn bè và gia đình trong nhiều tháng qua. Đến ngày sinh, H. đã vứt con vào khe tường, nhưng rất may người dân đã phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Hiện tại, sức khỏe của trẻ ổn định, ăn, ngủ tốt, đang tiếp tục được theo dõi tại BV Xanh Pôn (Hà Nội).
Bac sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh,thăm khám cho bé ngày 21/8 (ảnh: Linh Trần)
Sau khi sự việc được chia sẻ, dư luận bất bình với hành động của nữ sinh và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng cảm, chia sẻ với nữ sinh viên này.
Trước đó, một phụ nữ quê ở Hà Tĩnh sau khi sinh con do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã vứt bỏ con ở hố ga trên thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Sau 3 ngày, người dân mới phát hiện và đưa bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bị nhiễm trùng huyết quá nặng, cháu bé đã tử vong. Ngay sau đó, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Giết hoặc vứt con đẻ mới sinh, theo quy ịnh tại Điều 124, Bộ luật Hình sự 2015.
Đối chiếu với trường hợp ở Trâu Quỳ, dư luận đặt câu hỏi liệu người mẹ sẽ bị xử lý như thế nào ?
Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc xử lý người mẹ sẽ căn cứ vào diễn biến tình trạng sức khỏe của bé. Theo đó, nếu trẻ sơ sinh tử vong, người mẹ sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết hoặc vứt bỏ con đẻ mới sinh" theo quy định tại Điều 124, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Luật sư Hùng phân tích, giết con mới đẻ là hành vi của người mẹ mới đẻ con ra trong 7 ngày tuổi vì lý do nào đó đã làm con mình bị chết. Vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ mới đẻ con trong 7 ngày tuổi vì lý do nào đó đã bỏ con ở một nơi nào đó, không chăm sóc đứa trẻ dẫn đến đứa trẻ chết. Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. "Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó đẻ ra chứ không phải con nuôi và mới sinhra trong vòng 7 ngày tuổi trở lại.
Nếu ngoài 7 ngày tuổi thì không bị coi là phạm tội này. Hơn nữa, người chịu trách nhiệm về tội này phải từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là phụ nữ đã đẻ ra đứa trẻ", luật sư Hùng nói.
Trong trường hợp cháu bé được cứu sống, thì người mẹ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người mẹ sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi "Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh".
Trước đó, khoảng 17h50 ngày 18/8, người dân phát hiện một cháu bé bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm). Ngay sau khi nhận được thông tin, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an huyện Gia Lâm) cùng Công an thị trấn Trâu Quỳ đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tìm cách giải cứu cháu bé. Do khe tường quá hẹp, lực lượng chức năng đã cùng nhân dân đục tường để đưa cháu ra ngoài với nỗ lực bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho cháu.
Sau khi giải cứu, lực lượng cứu hộ cùng người dân đã nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu, rồi chuyển lên BV Xanh Pôn cấp cứu. Tại đây, bệnh nhi được các y bác tiến hành các biện pháp cấp cứu, hiện sức khỏe đã ổn định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo