Tư vấn pháp luật

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc có được tính trả lương?

Công ty ông Đăng Trọng (Hà Nội) áp dụng ngày làm việc trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7 và ngày nghỉ hằng tuần là Chủ nhật. Ông Trọng hỏi, nếu phát sinh công việc cần làm thêm giờ vào Chủ nhật, khung thời gian nghỉ trưa và nghỉ đêm có được hưởng lương hay không.

Xử lý như thế nào khi người lao động có 2 sổ BHXH? / Có được công chứng gộp thỏa thuận phân chia di sản và tặng cho tài sản?

Thời gian làm việc của cán bộ công nhân công ty ông Trọng như sau:

- Ca 1: 8h00 - 17h00 và nếu có công việc cần làm thêm giờ sẽ làm thêm từ 17h00 - 20h00 (nghỉ ngắn giữa giờ từ 10h00 - 10h10 và từ 14h00 - 14h10, có hưởng lương; nghỉ trưa từ 12h00 - 13h00 không hưởng lương).

- Ca 2: Thời gian làm việc từ 20h00 - 5h00 sáng hôm sau. Nếu có công việc cần làm thêm giờ sẽ làm thêm từ 5h00 - 8h00 (nghỉ ngắn giữa giờ từ 22h00 - 22h15 và 2h00 - 2h15 có hưởng lương; nghỉ đêm từ 24h00 - 1h15, không hưởng lương từ 24h00 - 1h00 và có hưởng lương từ 1h00 - 1h15 phút).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày vàkhông quá48 giờ trong 1 tuần.

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau

 

Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 6 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

Ngoài thời gian nghỉ quy định nêu trên, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Điều 64 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, tình trạng còn hiệu lực) hướng dẫn cụ thể quy định nghỉ trong giờ làm việc như sau: Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 3 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Trường hợp làm việc theo ca liên tục (theo Khoản 3 Điều 63 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, làm việc theo ca liên tục là việc bố trí ít nhất 2 người hoặc 2 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 1 ngày hoặc 24 giờ liên tục), thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

 

Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.

Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

Căn cứ Khoản 1 Điều 105, Điều 106 Bộ Luật Lao động 2019 và Điều 63, Điều 64 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày; giờ ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ; thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

Nếu sự việc đúng như ông Đăng Trọng phản ánh, thì công ty ông đang tổ chức làm việc theo ca, bố trí thời giờ làm việc theo ca, thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

Người lao động, đại diện người lao động, tổ chức công đoàn cần trao đổi, đối thoại với người sử dụng lao động để tổ chức lại ca làm việc, thời giờ làm việc, thương lượng thời gian nghỉ trong giờ tính vào giờ làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

 

Tùy theo yêu cầu của kế hoạch sản xuất kinh doanh; căn cứ nhân lực, năng lực thiết bị, máy móc, công nghệ, công ty có thể tổ chức làm việc 2 ca hoặc 3 ca trong 1 ngày, thời giờ làm việc bình thường của mỗi ca là 8 giờ. Ca 1 từ 6 giờ đến 14 giờ (trong đó thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc ít nhất 30 phút); ca 2 từ 14 giờ đến 22 giờ (trong đó thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc ít nhất 30 phút); ca 3 từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau (trong đó thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc ít nhất 45 phút).

Cách tính tiền lương làm thêm giờ

Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy địnhcủa pháp luật,thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Căn cứ Khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường thì người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm