Pháp luật

Từ vụ cướp ngân hàng ở Đồng Nai: Xuất hiện "lỗ hổng" về an ninh

Đối tượng gây ra vụ cướp đã nắm bắt được quy luật nên đã chọn đúng thời điểm các nhân viên kiểm đếm tiền để trên bàn để hành động.

Trong Bộ luật Hình sự chỉ có điều khoản về tội “Cướp tài sản”, không có quy định cụ thể về tội “Cướp tài sản ngân hàng”. Song, nói đến hành vi cướp tài sản tại ngân hàng là nói đến sự manh động, liều lĩnh của đối tượng gây án; một vụ cướp xảy ra ở ngân hàng bao giờ cũng tạo ra sự lan tỏa thông tin xấu đến an ninh, trật tự xã hội, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân. 

Hiện trường vụ cướp ngân hàng ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh CAND. 

Tuy nhiên, ngân hàng lại là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và nó luôn là mục tiêu nhìn ngó của bọn tội phạm hình sự. Vậy phải làm thế nào để tăng cường công tác an ninh ở  trụ sở làm việc của các ngân hàng?

Vụ cướp táo tợn xảy ra vào trưa 1/9 vừa qua, xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng HD Bank, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lại góp thêm một lời cảnh báo nữa đối với  công tác an ninh tại các ngân hàng. 

Có thể, đối tượng gây ra vụ cướp đã nắm bắt được quy luật, vào buổi trưa, chi nhánh ngân hàng này thường xuyên kiểm đếm tiền chuẩn bị nhập kho cho phiên giao dịch buổi chiều nên đã chọn đúng thời điểm các nhân viên kiểm đếm tiền để trên bàn mà để hành động. 

Với một thiết bị nổ giả trên tay, tên cướp đã đe dọa, buộc nhân viên ngân hàng phải đưa cho đối tượng 227 triệu đồng. Trên đường chuẩn bị tẩu thoát, đối tượng bị một người khách dũng cảm và bảo vệ ném ghế trúng chân nên đã rơi lại túi tiền đựng 90 triệu đồng. Gặp “vận đen”, tên cướp tiếp tục đụng xe với một nữ sinh trên đường tháo chạy khiến cọc tiền trong túi bị văng ra…  Như vậy, số tiền đối tượng thực cướp được chỉ khoảng chừng 20 triệu đồng.

Trước đó, khoảng 10h ngày 26/4, Lê Lâm Hưng (29 tuổi, quê Quảng Ninh, kỹ sư điện làm việc tại Ban quản lý dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3) đã gây ra vụ dùng súng cướp ngân hàng ở Trà Vinh, báo Thanh niên đưa tin.

 

Theo đó, khoảng 13h30 phút cùng ngày (26/4), Hưng rời khỏi nhà, chạy quanh khu vực ngân hàng để khảo sát, sau đó ngồi chờ tại một quán cà phê.

Khoảng 16h, Hưng rời khỏi quán, mua 2 lon bia uống, rồi chạy xe vào con hẻm cách phòng giao dịch ngân hàng khoảng 500 m, mặc áo khoác, đeo khẩu trang, kính râm, quấn băng keo vào các ngón tay của bàn tay trái, tháo biển số xe bỏ vào cốp rồi chạy xe đến ngân hàng. Gây án xong, nghi phạm tẩu thoát về hướng khu tập thể của Ban quản lý nhà máy nhiệt điện.

Trước đó, chiều 6/5, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Trà Vinh ập vào nơi làm việc của Hưng tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Hưng. Quá trình khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ 10 triệu đồng và 35.900 USD cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Trước khi gây án, Hưng lên TP.HCM mua 1 súng bắn bi giá 500.000 tại chợ Kim Biên và mua 1 áo khoác, 1 kính râm màu đen, 1 cuộn băng keo, đem đến nơi làm việc tại văn phòng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 để cất giấu. 

Sau đó, Hưng đi khảo sát các ngân hàng trên địa bàn thị xã Duyên Hải thì thấy phòng giao dịch của Ngân hàng Vietcombank bảo vệ lỏng lẻo, ít nhân viên, nên Hưng chọn cướp ngân hàng này.

 

Theo báo Công an Nhân dân, xem xét các vụ cướp tiền tại ngân hàng, công tác bảo vệ, phòng ngừa thiếu chặt chẽ. Một số ngân hàng duy trì số tiền mặt giao dịch lớn tại các quầy giao dịch để thuận tiện cho khách đến gửi tiền, rút tiền. Cách làm này vô tình là miếng mồi ngon cho bọn tội phạm. 

Ở một số phòng giao dịch ngân hàng, khi khách đến nộp tiền hay rút tiền thì nhân viên ngân hàng chỉ giao dịch trên giấy tờ với khách. Còn khi nộp tiền hay rút tiền, nhân viên hướng dẫn khách ra một khu vực thu nộp tiền riêng. 

Tại khu vực này, lực lượng bảo vệ, các hệ thống giám sát an ninh được tăng cường và tập trung cao hơn, dẫn tới, bọn tội phạm nếu có ý định cướp cũng sẽ dè chừng hơn rất nhiều. Đây là cách làm hay, mặc dù có thể gây một chút bất tiện cho khách khi giao dịch, song vì an toàn chung, thiết nghĩ, khi khách được giải thích sẽ ủng hộ cách làm này của ngân hàng. 

Về lực lượng bảo vệ, các ngân hàng thường thuê một vài nhân viên bảo vệ tại các công ty bảo vệ. Song, thực tế, nhiều nhân viên bảo vệ không được đào tạo nghiệp vụ; không có bản lĩnh, hoặc phản ứng không kịp thời trước các tình huống bất ngờ xảy ra nên thường bị động hoặc bất lực trước kẻ cướp. 

Ở một số ngân hàng, có ký hợp đồng với lực lượng Cảnh sát; nhưng thường thì, lực lượng Cảnh sát chỉ tham gia khi áp tải xuất, nhập tiền trên đường, không thường xuyên túc trực tại các quầy giao dịch ngân hàng.

 

Hầu hết, các quầy giao dịch ngân hàng hiện nay đều lắp đặt hệ thống camera an ninh. Tuy nhiên, khi xảy ra cướp, hệ thống này chỉ có tác dụng trích xuất hình ảnh, truy tìm thủ phạm, cách làm này làm hạn chế hiệu quả của hệ thống camera an ninh. 

Thiết nghĩ, chỉ cần một người túc trực tại một khu vực riêng, chuyên giám sát các góc quay camera an ninh để phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn vào ngân hàng, khi xảy ra cướp thì kịp thời báo động từ xa cho lực lượng bảo vệ và lực lượng Công an sở tại để có phương án ngăn chặn, xử lý, truy bắt đối tượng ngay khi gây án thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. 

Đồng thời, Công an sở tại cũng cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác bảo vệ an ninh tại các ngân hàng trên địa bàn quản lý.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Công an Nhân dân, Thanh niên)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo