Tuần từ 29/7/2013 đến 3/8/2013 giá vàng giảm 600 000 đồng/lượng
Tính đến đầu giờ sáng nay, giá vàng trong nước đã giảm 600.000 đồng/lượng so với phiên đầu tuần
(vov.) Sáng nay (3/8), mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC tăng thêm 370.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều hôm qua, đẩy giá vàng trong nước tăng lên mức 37,85 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, theo niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội, giá vàng mua vào – bán ra đang ở mức 37,55 – 37,87 triệu đồng/lượng.
Tại TP HCM, công ty VBĐQ Sài Gòn mua vào vàng SJC với giá 37,55 triệu đồng/lượng. Giá bán ra 37,85 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng mở cửa giao dịch ngày hôm qua (theo giờ Mỹ) đã tăng vọt 25 USD lên mức 1.313 USD/oz. Hiện tại ở thời điểm chốt phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đang ở mức 1.312,46 USD/oz, tương đương 33,44 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước 4,41 triệu đồng/lượng.
Vàng trong nước hướng tuần giảm giá
Hướng giảm giá là điều dễ nhận thấy của thị trường vàng trong nước tuần qua. Ở thời điểm mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (29/7), giá vàng SJC trong nước có mức giá 38,15- 38,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tính đến đầu giờ sáng nay (3/8), giá vàng trong nước đang ở mức 37,55 – 37,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), số liệu cho thấy, trong 1 tuần giá vàng trong nước giảm tương đối lớn, đến mức 600.000 đồng/lượng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước có tuần giảm như vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài việc bị ảnh hưởng của giá vàng thế giới trong tuần có nhiều biến động giảm, vàng trong nước cũng bị “ép giá” bởi tỷ giá ngoại tệ trong nước đang có xu hướng giảm khiến giá vàng trong nước xuôi theo chiều xuống mà chưa có thời điểm hồi phục.
Mặc dù cùng xu hướng giảm với giá vàng thế giới, nhưng cường độ giảm giá của vàng trong nước không nhanh và mạnh so với vàng thế giới đã khiến mức chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường vẫn luôn ở mức cao. Cụ thể, mức chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới là 4,51 triệu đồng/lượng ở ngày đầu tuần và đến cuối tuần này, mức chênh lệch lại tăng lên 4,41 triệu đồng/lượng.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức thành công hai phiên đấu thầu vàng miếng với lượng bán ra đạt 52.000 lượng vàng SJC cho cả hai phiên. Tính đến thời điểm hiện tại, qua 49 phiên đấu thầu, NHNN đã bán ra với tổng khối lượng trúng thầu là 1.323.400 lượng trên tổng số 1.426.000 lượng chào thầu.
Đáng chú ý, liên tục trong những phiên đấu thầu gần đây, khối lượng vàng trúng thầu luôn đạt tỉ lệ 100% so với lượng chào thầu của NHNN. Điều này có thể cho thấy, từ khi NHNN giảm mức đặt thầu tối đa mỗi phiên từ 5.000 lượng xuống còn 3.000 lượng, các thành viên trúng thầu đã đông hơn hẳn, nhờ đó phân bổ đều hơn nguồn cung cho thị trường. Đây cũng là tín hiệu cho thấy, nhu cầu vàng của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN còn rất cao.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng theo đúng tinh thần của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngày 31/7, NHNN đã có văn bản yêu cầu cáo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng hàng ngày.
Theo văn bản này, từ ngày 1/8/2013, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh mua bán vàng miếng hàng ngày. Về thời hạn báo cáo, chậm nhất đến 14 giờ của ngày làm việc, các tổ chức tín dụng gửi báo cáo hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của ngày làm việc liền kề trước đó về NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối).
Cũng trong ngày 31/7, TienPhong Bank đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ mua bán vàng vật chất các loại thông qua kênh Internet Banking và Mobile Banking với nhiều dịch vụ hỗ trợ tiện lợi như: Khách hàng có thể mua bán vàng từ xa, được giữ hộ vàng miễn phí hoặc chuyển đổi miễn phí vàng nhẫn sang vàng miếng SJC và ngược lại…
Đại diện nhiều công ty vàng bạc trong nước tuần qua cũng lên tiếng về việc chưa có ý kiến trả lời từ phía NHNN cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. Hiện tại các công ty này đều phải mua vàng nguyên liệu trong nước với giá thành cao, tốn kém chi phí sẽ đẩy giá thành sản phẩm vàng nữ trang xuất khẩu cao hơn, giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới...
Nguyễn Quỳnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Cột tin quảng cáo