Môi trường

Túi nilon: Quản lý, chứ không phải cấm tiệt

Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Pakistan, Philippine, và Singapore đang thực hiện nhiều phong trào, thậm chí đề ra luật tẩy chay túi nilon. Tuy nhiên, cựu Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường quốc tế thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Lilia Casanova cho rằng quản lý hiệu quả là cách vừa tận dụng được các tiện ích của túi nilon, vừa bảo vệ được môi trường.

Theo bài viết của L. Casanova đăng trên Mạng Khoa học và phát triển SciDev.Net, lý do của các phong trào tẩy chay là bởi núi nilon gây tắc hệ thống cống rãnh, kênh mương thoát nước, dẫn đến tình trạng lụt đường phố, làm động vật chết ngạt, và gây ra nhiều hệ lụy môi trường khác. Trung Quốc đang áp dụng biện pháp phạt nặng với những người vi phạm. Một số nước khác đang chuyển sang sản xuất và sử dụng các loại túi có thể phân hủy.



Dù vậy, theo L. Casanova, không nên cấm sử dụng túi nilon, mà chỉ cần quản lý chặt chẽ, vì không ai có thể phủ nhận tính tiện dụng của túi nilon hơn hẳn các loại túi làm từ sợi đay, sợi chuối, hay vải.

 

Túi nilon có thể được sử dụng vào nhiều mục đích mà túi làm từ vật liệu khác không thể đáp ứng được, như đựng thực phẩm ướt, đựng nước. Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ cho biết, túi giấy thậm chí còn gây ô nhiễm không khí nhiều hơn 70% và gây ô nhiễm nguồn nước nhiều hơn 50 lần so với túi nilon, vì việc sản xuất và tái chế túi giấy cần nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra, túi nilon có thể tái sử dụng. Dù một số loại túi nilon quá mỏng để tái sử dụng, nhưng chỉ cần sản xuất loại túi dày hơn và khỏe hơn để người dùng không vứt đi sau mỗi lần sử dụng là có thể hạn chế được số lượng túi thải ra.



Lý do mà túi nilon bị coi là nhân tố gây ô nhiễm môi trường chính là vì nó không bị thối rữa. Câu trả lời cho vấn đề túi nilon không phải là cấm sử dụng, mà là quản lý tốt hơn. Quy trình 3R – Reduce (giảm), Reuse (tái sử dụng) và Recycle (tái chế) đối với rác thải rắn cũng nên được áp dụng đối với túi nilon.

 


Hiện nay chỉ vài nước ở châu Á có hệ thống 3R hiệu quả, dù hầu hết các nước đều có quy định về chất thải rắn. Quản lý túi nilon nghĩa là biết cách sử dụng và cất đi để tái sử dụng nhiều lần, cũng như biết chúng được tái sử dụng như thế nào sau khi không dùng được nữa. Cần đưa ra hướng vẫn về việc sử dụng, cất giữ, tái sử dụng và tái chế túi nilon.



Chính việc sử dụng và đào thải túi nilon mới là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, chứ không phải bản thân túi nilon có tội. Việc cấm hoàn toàn túi nilon chỉ để che đậy tình trạng không thể đưa ra chính sách quản lý môi trường hiệu quả.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo