Pháp luật

Tuổi hưu trước hết là sự công bằng

Nếu không kiên quyết, nghiêm chỉnh áp dụng quy định về tuổi nghỉ hưu ở cán bộ, công chức thì bộ máy nhà nước sẽ đứng trước nguy cơ già hóa; bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu có điều kiện bùng phát, hoành hành.

 Thực hiện nghiêm chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu cũng là để tạo cơ hội cho giới trẻ năng động tham gia những vị trí lãnh đạo và thăng tiến - Ảnh: Thuận Thắng

 

Trì hoãn việc cho nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức không còn là hiện tượng xảy ra cá biệt ở nơi này hoặc nơi nọ mà đang có dấu hiệu lan rộng. Lý do được đưa ra thường giông giống nhau: cán bộ đương chức có năng lực và vẫn còn đủ sức khỏe để phục vụ, chưa chọn được người kế cận xứng đáng, các kế hoạch công tác lớn còn dở dang và việc chuyển giao sẽ gây nhiều rắc rối, phiền phức, tốn kém, rủi ro...
 
Không thể phủ nhận xu hướng chậm lão hóa theo thời gian của con người nhờ sự cải thiện chất lượng cuộc sống trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học. Nhiều người lớn tuổi vẫn còn tràn đầy sinh lực và có điều kiện tiếp tục công việc, thay vì lui ra sau để nghỉ ngơi.
 
Tuy nhiên, chế độ hưu trí không chỉ đơn giản là việc sàng lọc để loại bỏ các nhân tố đã trở nên kém hiệu quả do tuổi cao, sức khỏe suy giảm. Ðó trước hết là biện pháp bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời góp phần duy trì, phát triển sức sống của bộ máy, qua đó thúc đẩy sự phát triển xã hội bền vững.
 
Sự thay thế không chỉ tạo điều kiện cho người kế cận thể hiện khả năng, tự khẳng định về phương diện chuyên môn; gắn với chức vụ, công việc là tiền bạc và các lợi ích vật chất, tinh thần. Người nắm giữ chức vụ, đảm đương công việc trong một thời gian nào đó được cho là đủ dài coi như đã thụ hưởng thỏa đáng các phúc lợi tương ứng mà xã hội dành cho mình rồi phải đến lượt người khác.
 
Nếu không kiên quyết bộ máy sẽ đứng trước nguy cơ già hóa, bệnh bảo thủ, trì trệ và quan liêu có điều kiện bùng phát, hoành hành. Người trẻ, về phần mình, có thể chán nản vì không có nhiều cơ hội để thể hiện, dẫn đến mất động lực phục vụ, thậm chí ra đi. Rốt cuộc xã hội lãnh hậu quả thiệt hại.
 
Ðể ngăn chặn, loại trừ những điều đáng tiếc này, trên hết là phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật lao động về tuổi hưu. Cần nhấn mạnh rằng trong luật hiện hành, quy định về tuổi hưu là loại quy định thuộc nhóm chuẩn mực nguyên tắc mang tính mệnh lệnh, bắt buộc.
 
Các chuẩn mực loại này phải được tôn trọng, áp dụng một cách nghiêm ngặt và được bảo đảm thực hiện: người nào có thẩm quyền ra quyết định cho nghỉ hưu mà không chịu ra quyết định đúng luật, người nào đã có quyết định cho nghỉ hưu mà không chịu xúc tiến bàn giao đúng hạn thì phải chịu chế tài. Không thể dễ dãi trong thực thi các quy tắc này, bởi điều đó sẽ khiến cho luật bị nhờn, bị coi thường.
 
Thông thường hiện tượng kéo dài thời gian làm việc xuất hiện với tần suất tăng theo tỉ lệ thuận với tầm quan trọng của cương vị nắm giữ. Ðiều này có thể hiểu được: chức vụ càng cao, quyền hạn càng lớn, bản thân người nắm giữ chức vụ cao trong một thời gian đủ dài cũng có thể có đủ sức tạo thanh thế, ảnh hưởng và có điều kiện vận động để lôi kéo, tìm kiếm sự ủng hộ của người có thẩm quyền đối với việc làm chậm lại “chuyến tàu về vườn”.
 
Nếu không kiên quyết, nghiêm chỉnh áp dụng quy định về tuổi nghỉ hưu đối với những người quá quyến luyến đối với chiếc ghế của mình, thì sự bất công cũng sẽ được ghi nhận trong mối quan hệ so sánh giữa người thừa hành và quan chức: trong khi người thừa hành không có khả năng vô hiệu hóa quy định của pháp luật về tuổi hưu thì quan chức lại có đủ, thậm chí thừa lực để làm việc đó.
Theo Tuổi trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo