Pháp luật

Tuổi nghỉ hưu của người lao động

Bà Lương Tý (luongty12345@...) hỏi: Theo Điều 187 Bộ Luật Lao động năm 2012, cán bộ công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 55 đối với nam và 50 đối với nữ không?

 

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, người lao động được hưởng lương hưu khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau:
 
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
 
- Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
 
- Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
 
- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
 
Như vậy, theo quy định nêu trên, pháp luật về bảo hiểm xã hội không quy định người lao động trong những trường hợp trên đối với nam khi đủ 55 tuổi, nữ khi đủ 50 tuổi phải nghỉ việc để hưởng lương hưu, thời điểm nghỉ việc do người lao động và người sử dụng lao động quyết định. Khi người lao động nghỉ việc, nếu có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi đời theo quy định nêu trên thì người lao động được hưởng lương hưu.
Chinhphu.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo