Xã hội

Tuổi nghỉ hưu: Không nên tăng ồ ạt, dàn đều

Nếu nâng tuổi nghỉ hưu một cách ồ ạt sẽ dẫn đến chuyện phá vỡ cơ cấu, quy hoạch đội ngũ cán bộ tương lai.

(VOV) Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2012, trong đó dư luận đặc biệt quan tâm đến khoản 3, điều 187 về kéo dài tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh nội dung này.

Thưa ông,
có phải do lần đầu tiên chúng ta áp dụng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng nên còn gặp nhiều lúng túng?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Thực tế, khi luật chưa ban hành, chưa sửa đổi thì chúng ta đã thực hiện việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tối đa là 5 năm. Nhưng nhóm đối tượng áp dụng chỉ gồm Thứ trưởng và Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; nhóm kỹ sư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Các đối tượng này được giữ lại với hai điều kiện: không tham gia quản lý và phải do nhu cầu sử dụng lao động, người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp tục làm việc.

Trong luật sửa đổi lần này, chúng ta chỉ nói là có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và quản lý thì được nâng tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 5 năm. Vậy bài toán đặt ra là hiện nay, việc nâng tuổi như vậy giải quyết hai vấn đề: phát huy năng lực, trí tuệ, tài năng của nhóm lao động này để góp phần cho quá trình phát triển đất nước; thứ hai, góp phần bảo đảm cân bằng quỹ hưu trí tương lai. Cũng có ý kiến nói rằng, việc nâng tuổi liên quan đến lợi ích nhóm. Nếu cách làm của chúng ta không tốt thì chuyện đó có thể xảy ra.

Vậy, theo ý kiến của ông, chúng ta nên thực thi Điều 187 của Bộ Luật lao động theo hướng nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, chúng ta phải nghiên cứu, tính toán thêm tình hình thực tiễn đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng (bắt đầu từ 2007) và có thể kéo dài trong 20-30 năm. Số lượng học sinh, thanh niên được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật… ngày càng nhiều, nếu không có vị trí công việc thì đây cũng là một sự lãng phí xã hội. Nhưng nếu vì chuyện tuổi tác mà chúng ta lại đưa ra một nhóm đối tượng quản lý có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cũng là bài toán về lãng phí chất xám. Qui định của pháp luật là vậy nhưng chúng ta phải tính toán cụ thể.

Vậy việc thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng đại trà từ 1/5/2013, ngay khi Bộ luật này có hiệu lực, thưa ông?


Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu nâng tuổi nghỉ hưu một cách ồ ạt thì cũng có chuyện giữ lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt dẫn đến chuyện phá vỡ cơ cấu, quy hoạch đội ngũ cán bộ tương lai. Vì thế, phải tính toán lộ trình thích hợp. Lộ trình ưu tiên trước hết là phải giải quyết việc nghỉ hưu của nữ, vì nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là giải quyết bình đẳng giới. Không nhất thiết phải nâng đồng bộ tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ. Vì nếu anh đặt ra vấn đề cả nam nữ phải theo lộ trình đồng bộ thì có thể bất bình đẳng giới lại xảy ra.

Tương lai, dù sớm hay muộn thời kỳ dân số vàng cũng qua đi, lúc đó tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ phải nâng lên. Trong khoản 3 của Điều 187 có nêu, tuổi kéo dài tối đa không quá 5 năm. Khi hướng dẫn phải linh hoạt làm sao để người nào đáp ứng được 2 năm thì đề nghị sử dụng 2 năm… đảm bảo cân bằng giữa sức khỏe và nguồn nhân lực.

Khoảng từ năm 2018 cần có lộ trình cứ 2 năm nâng 1 tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ và vài ba năm nâng tuổi cho nam. Để đến năm 2028 có thể tuổi nghỉ hưu của tất cả lao động là 60 tuổi.

Có ý kiến cho rằng, chủ yếu những người có chức, có quyền mới mong muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, trong số những người lãnh đạo không phải ai cũng xuất sắc đến mức phải giữ lại. Ông có cùng cảm nhận này không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo quan sát của tôi, nhiều người có năng lực lại không muốn kéo dài thời gian làm việc. Vì nếu người ta không trong quan hệ lao động Nhà nước vẫn có thể có việc làm, vẫn có thu nhập cao hơn. Còn trong số những người muốn kéo dài, cũng có nhiều người năng lực thực sự nhưng có thể một bộ phận không nhỏ có sức ỳ lớn, chưa muốn thoát ly khỏi Nhà nước. Những người đã có năng lực thì không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu trong cơ chế thị trường. Nhưng chúng ta không phải tính đến chuyện muốn hay không muốn mà cần tính đến chuyện đóng góp phải phù hợp hưởng thụ.

Vậy theo ông, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì có nhất thiết người đó phải được duy trì vị trí lãnh đạo của mình?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi nghĩ rằng, không cần giữ chức vụ lãnh đạo. Nếu bù đắp tốt thì người ta vẫn gắn bó với Nhà nước. Như tôi đã nói ở trên, phải có tiêu chí cụ thể chứ không phải cứ người đó có vị trí thì được giữ lại.

Nhưng chúng ta cũng không nên máy móc giữ lại là không giữ chức vụ, có thể giữ chức vụ nếu đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu. Nếu bỏ anh đi thì hệ thống bộ máy không tìm được người thay thế. Còn nếu tìm được người thay thế thì anh phải đứng ra làm chế độ chuyên gia. Nếu kéo dài 5 năm nữa thì người kế tiếp anh không còn tuổi qui hoạch, đề bạt nữa thì lại lãng phí.

Tôi hy vọng, trong hướng dẫn của Chính phủ lần này, chúng ta phải giữ được những người thực thụ có tài, có nhu cầu làm việc đáp ứng yêu cầu, cần thiết của xã hội.

Vậy còn ý kiến cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp giải bài toán khó mà quỹ bảo hiểm hưu trí đang gặp phải?


Ông Bùi Sỹ Lợi: Nguyên tắc của bảo hiểm hưu trí là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Vấn đề đặt ra là không phải là tuổi nghỉ hưu mà cả chính sách đóng, hưởng bảo hiểm. Hiện nay, mất cân bằng về quỹ bảo hiểm xã hội không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do chúng ta đóng-hưởng không cân đối. Trong khi thực hiện chính sách tiền lương cho người làm công ăn lương thì lại điều chỉnh cả tiền lương cho người đã nghỉ hưu. Thực tế, người nghỉ hưu từ 1/1/95 trở về trước hoàn toàn là do bao cấp ngân sách chứ không phải bằng tiền đóng bảo hiểm hưu trí như hiện nay. Nếu giải quyết được cả tuổi nghỉ hưu, mức đóng – hưởng thì mới giải quyết được vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Thảo Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo