Xã hội

Tùy tiện thu phí xe cứu thương

Trong khi lãnh đạo Bệnh viện (BV) Việt - Đức khẳng định không có chuyện thu phí xe cứu thương ra vào cổng, bộ phận bảo vệ vẫn thu ít nhất 20.000 đồng/lượt ô tô ra vào.

Nhân viên bảo vệ thu tiền ô tô tư nhân vào đỗ trong Bệnh viện Việt - Đức sáng 27/3. Ảnh: Tuấn Nguyễn

 

Lái xe khẳng định bị đánh trong bệnh viện

Ngày 26/3, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra lệnh bắt khẩn cấp Trần Quốc Hiệp (SN 1979, trú tại quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Văn Tùng (SN 1981, quê Hải Phòng, tạm trú tại Tứ Liên, quận Tây Hồ); Cù Chí Quang (tức Tuấn, SN 1977, trú tại Trung Phụng, Đống Đa) về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Theo hồ sơ điều tra, khoảng 19h30 ngày 23/3, anh Nguyễn Hữu Thông (SN 1986, trú tại Tương Dương, Nghệ An) lái xe cứu thương chở bệnh nhân đã tử vong từ phòng cấp cứu BV Việt - Đức để về Nghệ An. Khi xe ra đến cổng BV, bảo vệ Phạm Thế Phương (SN 1978) hỏi giấy ra viện và thu tiền phí xe ra vào. Anh Thông đưa cho Phương xem giấy báo tử của bệnh nhân trong xe và đưa 20.000 đồng tiền phí để xe ô tô trong BV, nhưng Phương tỏ thái độ không bằng lòng, dù vẫn để anh Thông lái xe qua.

Lúc này, Hiệp, Tùng vừa đi uống rượu về đến cổng viện, thấy sự việc và cho rằng anh Thông trả thiếu tiền cho bảo vệ. Hiệp nói: “Có mấy chục bạc trả cho người ta đi rồi đi”. Anh Thông ngồi trên xe nói lại: “Người chết rồi đòi tiền gì nữa. Tôi làm ở đây 5 năm rồi, anh em có gì tạo điều kiện cho nhau”. Hiệp nói: “Tao làm ở đây 25 năm rồi”.

Khi anh Thông điều khiển xe ra ngoài, Hiệp xông vào tát anh Thông. Anh Thông giữ được tay của Hiệp kéo vào trong cabin xe. Lúc này, Tùng và Quang là bạn của Hiệp đang đứng ở đó cũng xông vào chửi anh Thông. Quang cầm mũ bảo hiểm đập anh Thông 2-3 lần nhưng anh Thông tránh được, giật mũ và ném ra ngoài. Tùng tiếp tục xông vào chửi bới, làm vỡ gương chiếu hậu bên trái xe cấp cứu. Lúc này, anh Đào Duy Nam (SN 1995, trú tại Tứ Liên, Tây Hồ), cảnh sát bảo vệ tại bệnh viện, vào can ngăn, yêu cầu tất cả vào phòng bảo vệ để gọi Công an phường Hàng Bông đến giải quyết, nhưng sau đó Hiệp, Tùng và Quang trốn mất.

Ngày 24/3, Công an quận Hoàn Kiếm triệu tập Hiệp, Tùng, Quang về trụ sở để làm rõ. Tại đây, 3 đối tượng khai nhận, kiểm điểm về hành vi gây rối trật tự công cộng, chửi bới đánh nhau tại cổng BV Việt - Đức.

Như vậy, theo nội dung điều tra, sự việc xảy ra ngay tại cổng BV Việt - Đức. Về nguyên nhân, cơ quan điều tra làm rõ, do Hiệp, Tùng không bằng lòng với việc anh Thông chỉ đưa 20.000 đồng, không đưa 30.000 đồng hoặc 50.000 đồng như “thông lệ” dẫn đến việc lời qua tiếng lại giữa Hiệp, Tùng với anh Thông, sau đó phát sinh đánh nhau, gây mất trật tự.

Về việc thu phí, anh Thông cho biết, bình thường ở đây thu vé xe ra vào cổng 20.000 đồng, tuy nhiên hôm đó họ đòi 5 xịch (tức 50.000 đồng), không phân biệt xe cứu thương hay xe tư nhân, taxi.

Lãnh đạo bệnh viện nói gì?


Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, sáng 27/3, rất nhiều xe ra vào BV Việt Đức (cả xe cứu thương, xe taxi và xe tư nhân). Hầu hết xe khi đi ra cổng đều phải xuất trình giấy ra viện và đưa cho bảo vệ 30.000 đồng mà không có vé xe hay biên lai. Ngoài ra, mặc dù có biển niêm yết giá gửi xe máy tại BV là 2.000 đồng/lượt/ban ngày nhưng thực tế nhân viên trông xe tại đây thu 5.000 đồng/xe.

Phóng viên đặt lịch làm việc với lãnh đạo BV, nhưng ông Nguyễn Đức Tâm - Trưởng phòng Hành chính Quản trị (BV Việt Đức, được Ban giám đốc BV ủy quyền trả lời báo chí) đang bận đi ra ngoài nên không thể tiếp. Trao đổi qua điện thoại, ông Tâm nói: “Không có chuyện đó đâu (tức việc thu phí-PV). Chúng tôi đã có thông báo ngay ngoài cổng BV từ lâu: Xe vào BV hay chở bệnh nhân đến BV chỉ đỗ trong vòng 5 phút rồi ra thì không bị thu tiền. Còn xe ô tô vào gửi bảo vệ trông ở bên trong BV thì khi xe ra phải trả phí theo quy định của thành phố Hà Nội”.

Phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp xe cứu thương của Nghệ An bị thu tiền tối 23/3, ông Tâm trả lời: “Bởi vì họ để xe ở trong BV từ lúc chưa đến 19h tới 19h45 mới ra thì phải trả phí cho bảo vệ”. Phóng viên gọi điện xác định lại với lái xe bị đánh hôm đó, anh này nói: “Chỉ 10 phút thôi! Cháu bé vào 10 phút là mất rồi”. Về mức phí gửi xe ô tô trong BV, ông Tâm cho rằng, thu theo quy định từ năm 2009 của thành phố Hà Nội là 30.000 đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, lại khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ cho thu tiền xe cứu thương ra vào BV. Nếu anh nào thu tiền sẽ bị kỷ luật thẳng cánh, đuổi khỏi BV”. Theo Giám đốc BV Việt - Đức, nhân viên bảo vệ Phạm Thế Phương đã bị đuổi việc sau sự việc vừa qua, đồng thời bị xử phạt. “Tôi được biết, xe tư nhân không phải xe cứu thương nếu vào trong viện quá lâu thì phải thu phí vì BV không có chỗ đỗ. Tôi không quản lý, không được một xu nào từ tiền gửi xe. Ai thu tiền thì người đó phải chịu trách nhiệm”, ông Quyết nói.

    Xe cứu thương biển “lạ” khó vào BV đón khách


    Việc xe cứu thương ngoại tỉnh không được vào BV chở bệnh nhân, tử thi, không chỉ xảy ra ở BV Việt - Đức mà còn tại một số BV khác như Bạch Mai (Hà Nội). Ghi nhận của PV cho thấy, thông thường, bảo vệ sẽ thu 30.000 đồng/ô tô khi ở khuôn viên BV dưới 2 tiếng. Thời gian tiếp theo sẽ là 15.000 đồng/tiếng, mức phí cao nhất so với các bãi trông xe ở Hà Nội. Bảo vệ BV Việt - Đức chỉ ghi biển số xe vào sổ mà không phát vé cho chủ phương tiện. Ước tính trong ngày có hàng chục phương tiện ra vào BV này.

 

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo