Tuyển sinh 2015: Nhiều trường không tuyển thí sinh thi ở địa phương
Còn xa mới đến kỳ thi tuyển sinh 2015 nhưng nhiều vấn đề phát sinh từ những chủ trương đổi mới của ngành GD&ĐT đang làm đau đầu các nhà tuyển sinh.
Các trường thay đổi cơ cấu môn thi
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm HN cho biết, năm 2015 trường này thực hiện tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi quốc gia theo phương án của Bộ GD&ĐT, vì đã sát ngày tuyển sinh.
Trường này giữ gần như nguyên các khối thi truyền thống nhưng có một sự thay đổi nhỏ là, ngành Toán tuyển thí sinh thi các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ để tăng khả năng diễn đạt của sinh viên học Toán; ngành Văn sẽ tuyển thí sinh thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ để tăng tư duy lôgic của sinh viên…
Ông Minh cũng cho biết thêm, trường ĐH Sư phạm cũng đã chuẩn bị đề án cho một lộ trình thi tuyển sinh. Theo đó, trước mắt trường sẽ tuyển sinh theo phương án của Bộ GD&ĐT và sau đó, khi Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự chủ tuyển sinh hoàn toàn, ĐH Sư phạm sẽ ra 2 bài kiểm tra năng lực nhưng không thực hiện chủ yếu bằng thi trắc nghiệm (TN) như đề án của ĐHQG HN mà ĐH Sư phạm sẽ kết hợp giữa thi TN và thi tự luận với 1 bài kiểm tra kiến thức chung, kiến thức nền cơ bản và 1 bài kiểm tra chuyên ngành; ví dụ: Toán, Văn, Tự nhiên và xã hội…
Ông Minh nhấn mạnh, trước khi làm phương án tuyển sinh mới của trường như đã nói ở trên, ĐH Sư phạm sẽ làm thí điểm ở Trường THPT của ĐH Sư phạm trước và sau đó sẽ triển khai các “mẫu” đa dạng ở trường THPT tại Hà Nội, khu vực Tây Bắc, miền Trung và miền Nam… Theo ông Minh điều quan trọng là phải xin ý kiến học sinh, phụ huynh, các cấp quản lý vì đây là việc cần làm thận trọng.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó GĐ ĐH Vinh cho biết, ĐH Vinh cũng sử dụng kết quả của kỳ thi theo các khối truyền thống là chủ yếu. Tuy nhiên, với ngành GD Thể chất sẽ tuyển theo kết quả của kỳ thi chung kết hợp với điểm thi môn năng khiếu được nhân hệ số. Ngành GD Mầm non lấy điểm thi môn Ngữ văn và điểm thi môn năng khiếu hệ số 2.
Từ năm 2016, ĐH Vinh, sẽ tuyển sinh theo khối ngành chứ không theo từng ngành như hiện nay. Ví dụ, sẽ lấy điểm tuyển theo các khối ngành sư phạm, nông-lâm- ngư và có thể chuyển dịch sinh viên trong từng khối ngành.
Không tuyển thí sinh thi ở địa phương
Trường tốp 1, ĐH Ngoại thương sẽ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng trường này cho hay, việc sử dụng kết quả này sẽ kèm theo những điều kiện sau: Điểm 3 năm THPT của thí sinh mỗi năm phải đạt trung bình 6,5; ĐH Ngoại thương không công nhận kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi địa phương.
Trường này tuyển theo các khối A, A1 và D (với ngành ngôn ngữ, môn ngoại ngữ hệ số 2). Ông Châu cũng cho biết, về lâu dài, ĐH Ngoại thương có thể sẽ không tuyển môn Hóa trong khối A, mặc dù năm nay vẫn tuyển môn này, vì thí sinh chưa kịp chuẩn bị cho sự thay đổi. Năm 2016 sẽ bỏ môn Hóa trong khối thi này.
Cũng nằm trong các trường tốp đầu, Học viện Bưu chính Viễn thông tuyển theo các khối A, A1, D1 và, theo ông Lê Hữu Lập, Phó GĐ Học viện, đến năm 2016, khi trường này đào tạo thêm ngành truyền thông đa phương tiện sẽ tuyển thêm khối C.
Ông Lập còn cho biết thêm, trường này sẽ không tuyển những thí sinh thi ở cụm địa phương vì… chưa tin tưởng. Như vậy, trường này sẽ không xét học bạ 3 năm và cũng không tuyển sinh dựa trên kết quả thi ở cụm thi địa phương!
Kỳ thi siêu… ảo
Đó là nhận xét chung của nhiều nhà tuyển sinh về kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2015.
Lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật ở Hà Nội đã có trao đổi riêng là dùng kết quả của kỳ thi chung và các trường ĐH Kiến trúc, Xây dựng sẽ phải kiểm tra môn năng khiếu. Đại diện nhiều trường còn đang băn khoăn về kỹ năng ra đề do lo ngại đề sẽ không đáp ứng được sự phân hóa.
Rất nhiều các nhà tuyển sinh cho rằng, chủ trương của Bộ GD&ĐT năm nay cho phép thí sinh thi xong mới đăng ký vào học các trường ĐH là không hay.
Một nhà tuyển sinh nhận xét: Việc thí sinh đổ xô vào một số trường học ngành ngoại thương, tài chính trước đây đã nghiêm trọng, nay sẽ nghiêm trọng hơn và mất cân bằng hơn. Muốn tự động hóa sản xuất thì phải tuyển được thí sinh giỏi học kỹ thuật, một nhà tuyển sinh lĩnh vực kỹ thuật than.
Ngoài ra, việc đăng ký tuyển sinh vào các trường sau thi, có thể gây ra đăng ký ảo ở nhiều cấp độ. Ông Lê Hữu Lập phân tích: Một thí sinh, trước kia chỉ có cơ hội thi 2 khối đã khiến các trường đối mặt tình trạng thí sinh ảo; nay thí sinh có thể thi đủ các môn thi của 4 khối: A, A1, C, D rồi còn được mang các giấy báo điểm đi nộp “lung tung” thì “chết” các trường.
“Tôi cũng đã nghe lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói về phần mềm loại thí sinh ảo nhưng với cách tổ chức thi này thì phần mềm nào cũng không thể “trị” nổi vì nhìn thấy thí sinh ảo đó rồi, biết rồi, nhưng không làm gì được”.
Ông Lê Hữu Lập, Phó GĐ Học viện Bưu chính Viễn thông
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo