Tỷ giá có thể tăng tiếp nhưng sẽ không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế
Điều chỉnh tỷ giá là hợp lý
Theo BSC, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phá giá thêm 1%, đồng thời nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%. Như vậy tỷ giá đã điều chỉnh 3% và được nới biên độ thêm 2% (từ 1% lên 3%) kể từ đầu năm 2015. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới là 21.890VND/USD, mức trần mới là 22.547 VND/USD.
"Chính sách tỷ giá của NHNN như vậy là hợp lý trong bối cảnh có nhiều diễn biến bất ngờ trên thị trường tiền tệ năm 2015: sự phục hồi của USD trước khả năng nâng lãi suất của FED sau 8 năm, và sự phá giá bất ngờ đồng RMB của PBoC", BSC đánh giá.
Theo BSC, thị trường ngoại hối trong nước sẽ sớm cân bằng lại nhờ sự linh hoạt của NHNN. Hạ giá đồng VND tương ứng với diễn biến trên thế giới sẽ giúp dự trữ ngoại tệ Việt Nam được bảo vệ và ổn định lại tâm lý trên thị trường. Trong ngắn hạn, sự kiện này có thể đem đến tác động tiêu cực trên các thị trường tài chính, nhưng sẽ là cú hích trong trung và dài hạn.
BSC cũng cho biết thêm, tỷ giá kể từ năm 2011 tới nay là một trong những ưu tiên của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Cần phải thừa nhận những nỗ lực trong điều hành tỷ giá từ 2011 đến 2015 đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn khi tăng trưởng kinh tế tạo đáy, CPI từ phi mã giảm về dưới 2%; tạo nền tảng vĩ mô cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống ngân hàng/doanh nghiệp trong nước được tiến hành.
Tỷ giá tăng, ngành dầu khí có lợi
BSC phân tích thêm, trong 4 năm thực thi nhiều chính sách tỷ giá chặt chẽ, đa số các ngành/doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc vốn vay ngoại tệ đều đã giảm đòn bẩy đáng kể (trừ ngành Vận tải biển). Quy mô xuất nhập khẩu tăng gần 50% trong 4 năm từ 203 tỷ USD lên 298 tỷ USD (2014). Do vậy việc tỷ giá tăng trong giai đoạn sắp tới là điều khó tránh nhưng cũng không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế.
"Chúng tôi đánh giá là 1 quốc gia mà nền kinh tế có định hướng xuất khẩu như Việt Nam, đồng nội tệ giảm sẽ có tác động hai chiều đến các nhóm ngành. Cụ thể, nhóm được hưởng lợi gồm các ngành xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ, dầu khí; nhóm sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực như nhóm ngành nhập khẩu như dược, nhựa, săm lốp và các ngành có mức độ vay nợ ngoại tệ lớn như điện, vận tải biển, xi măng.
BSC lấy dẫn chứng, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ giúp ngành dầu khí hưởng lợi vì nguồn thu của các doanh nghiệp dầu khí chủ yếu bằng USD trong khi chi phí bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tương tự, do doanh thu xuất khẩu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào không bị tác động lớn (do Nhân dân tệ giảm giá) nên ngành dệt may cũng được hưởng lợi.
Trong khi đó, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ ngành điện phải chịu bất lợi do các doanh nghiệp nhiệt điện đều có dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Việc VND bị mất giá có thể làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp này. Tương tự, do các doanh nghiệp xi măng dư nợ bằng ngoại tệ lớn và việc VND bị mất giá có thể làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp này (tuy nhiên do tỷ giá EUR giảm nên tỷ giá tính chéo sẽ hạn chế bớt tiêu cực) cũng làm cho ngành xi măng bất lợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo