Thị trường

Tỷ giá và “ác mộng” của doanh nghiệp nội

Với nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay, xáo động của tỷ giá dù chỉ ở mức 1% cũng đủ làm “bốc hơi” hàng chục tỷ đồng mỗi ngày và ở chiều ngược lại, mức giảm của tỷ giá có thể mang đến món hời hàng chục tỷ đồng cũng chỉ sau một lần điều chỉnh.

Ác mộng tỷ giá

Chuyện các doanh nghiệp (DN) đầu tư lớn bằng nguồn vay ngoại tệ bỗng chốc chìm nghỉm trong cơn ác mộng tỷ giá không còn quá mới mẻ. Gần đây nhất, chỉ trong hai năm 2008-2009, khó khăn của khủng hoảng kinh tế khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam trở nên mỏng manh, và tất yếu tiền đồng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải phá giá mạnh mẽ.

Liên quan mật thiết đến những điều chỉnh trong nước, trên thị trường quốc tế và ngay tại Mỹ cũng liên tục xuất hiện các gói nới lỏng định lượng với mục tiêu làm USD suy yếu, qua đó kích thích kinh tế. Chính điều này khiến nhiều đồng tiền chủ chốt như JPY, EUR khi tính chéo qua USD/VND đều tăng giá kép.

Đưa ra đánh giá trên, đơn vị kinh doanh thuộc BIDV đưa dẫn chứng, trong 3 năm 2008-2010, giá USD tăng từ 16.006 đồng lên 19.450 đồng/USD và tương tự, EUR cũng tăng từ 23.267 đồng lên 27.300 đồng/EUR trong lúc JPY cũng tăng tốc từ 139 đồng lên 253 đồng/JPY.

“Các DN thuộc các ngành tiêu biểu đầu tư tài sản lớn, đòn bẩy cao và vay vốn ngoại tệ gồm vận tải biển, ximăng và điện… tưởng được lợi lãi suất thấp bỗng nhiên chìm nghỉm trong cơn ác mộng tỷ giá” – đơn vị thuộc BIDV đưa đánh giá.

Chính điều này cũng khiến giá CP trong các ngành trên rớt thêm cùng với tình trạng trừ trích lập dự phòng tỷ giá ngày một dày đặc trên báo cáo tài chính. “CP giảm giá tới 50, 60 và 90%, giảm nhiều đến nỗi nhà đầu tư quên mất các CP này từng một thời thống trị sàn niêm yết với giá gần 100.000 đồng/CP”.

Công ty CP nhiệt điện Phả Lại (PPC) được xem như minh chứng điển hình của ác mộng tỷ giámà các DN trong nước phải chịu đựng trong thời gian qua. Tỷ giá đồng JPY tăng mạnh so với VND từ năm 2009 đến quý IV/2012 khiến CP PPC trượt dài xuống mức đáy 5.500 đồng/CP. Song khi tỷ giá đồng JPY bắt đầu giảm và giảm mạnh cho đến hết năm 2013, giá cổ phiếu PPC tăng tới hơn 100% chỉ trong năm 2013. Điều này không quá bất ngờ. bởi với dư nợ hơn 28 tỉ JPY, PPC lợi tới 28 tỷ đồng khi JPY chỉ giảm giá 1%.

Vận “hên” lại đến

Nay thì tỷ giá đang diễn biến trái ngược và niềm vui lại ào ạt đến với số đông các nhà đầu tư ximăng, vốn đang sử dụng một lượng lớn nguồn vốn vay EUR. Sau “vận may” với PPC, tâm điểm chú ý của thị trường vào đầu tháng 9/2014 bắt đầu được chuyển sang EUR. Kịch bản dường như lặp lại khi NHTƯ Châu Âu (ECB) vừa công bố kế hoạch mua vào các loại chứng khoán, với việc bơm tới 1.000 tỷ EUR, tương đương 1.290 tỉ USD vào nền kinh tế đang chật vật của khu vực Eurozone. Đáng chờ đón hơn cả, ECB cùng lúc hạ lãi suất cơ bản đồng EUR về mức thấp kỷ lục 0,05-0,15%. Giá đồng EUR nhanh chóng giảm từ 28.846 đồng xuống còn 26.695 đồng/EUR, tức giảm tới 2.151 đồng trong 9 tháng đầu năm 2014.

“Và lần này không phải là điện mà là ximăng - ngành có tỉ lệ vay EUR lớn nhất và đang điêu đứng vì lỗ tỷ giá 3 năm qua - có cơ hội thứ hai”. Giới đầu tư, như CK BIDV (BSC) nhìn nhận, nhanh chóng đi tìm ứng viên PPC thứ hai trong số những cái tên từng rất quen thuộc với bất cứ nhà đầu tư nào từ trước năm 2008 như xi măng Bỉm Sơn (BCC) hay ximăng Bút Sơn (BTS)…

Sự phập phù của tỷ giá khiến cho kết quả lãi và lỗ thay đổi bất ngờ không còn là sự lạ. Song đằng sau bức màn tỷ giá, giới đầu tư lại thực sự quan tâm nhiều hơn tới hoạt động cốt lõi của DN, như đánh giá của BSC, rằng khó mà dự báo tỷ giá EUR/VND sẽ diễn biến ra sao. “Hay nói cách khác tỷ giá chỉ là chất xúc tác để nhận ra những DN đang có sự cải thiện của hoạt động kinh doanh.

Chỉ cần tháo bỏ chiếc gông tỷ giá, hoạt động cốt lõi sẽ tự tạo lợi nhuận cho DN”. PPC một lần nữa được đưa ra làm minh chứng, bởi nếu hoạt động kinh doanh cốt lõi không tạo ra dòng tiền hoạt động hằng năm lên đến 700-1.200 tỷ đồng, đồng yên không thể viết lên câu chuyện thần kỳ đưa PPC (CP tăng 102%) vào hàng ngũ cùng với các siêu CP của năm 2013 như là GAS, PVD, HPG, HSG và TCM.
 

Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo