U ám thành phố Mỹ bị phá sản
Stockton nằm ở Thung lũng Trung tâm, một vùng nông nghiệp của California, cách San Francisco 130 km. Nó từng được gọi là Mudville (thành phố bùn lầy) và ít được khách du lịch để ý tới. 160 năm trước, Stockton trở thành một nút giao thông trong cuộc bùng nổ tìm kiếm vàng ở miền tây nước Mỹ.
Vào thời kỳ đỉnh cao của cuộc bùng nổ kinh tế, 3.000 ngôi nhà mới được xây dựng tại Stockton mỗi năm, trong khi dân số tăng tới 20% sau một thập kỷ từ khi thành phố gia nhập vành đai người lao động vào San Francisco đi làm hằng ngày.
Chính quyền Stockton đã mạnh tay vay mượn để xây dựng các công trình tốn kém, như sân biểu diễn hòa nhạc trị giá 80 triệu USD, sân bóng chày 5.000 chỗ ngồi dành riêng cho đội bóng chày nhỏ của địa phương, một du thuyền 42 triệu USD ngự trên bến thuyền của thành phố…
Tòa thị chính mới hiện đại cao 8 tầng cũng làm tốn kém của thành phố 35 triệu USD. Trước cửa tòa nhà treo một tấm biển lớn: “Stockton - Nước Mỹ thu nhỏ”. Stockton còn “hứng” đến mức chi 2 triệu USD cho một đầu bếp nổi tiếng ở California để mở một hộp đêm nhỏ, sau đó không trụ được bao lâu.
Chỉ riêng kế hoạch chăm sóc sức khỏe hạng “Cadillac” (hạng sang) đã khiến thành phố nợ tới 417 triệu USD. Theo chương trình này, các viên chức thành phố được hưởng chế độ chăm sóc y tế trọn đời cho họ và vợ hoặc chồng.
Người dân nơi đây cũng vay nhiều không kém để đầu tư trong cơn sốt nhà đất. Nhưng sau thời kỳ huy hoàng là cơn suy thoái khiến thị trường nhà đất sụt giảm thê thảm. Giá bất động sản giảm tới 75%, mọi ngành nghề kinh doanh đều ế ẩm, trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp tại Stockton hiện là 19%.
Mọi biện pháp cắt giảm chi tiêu đều không giải quyết được khó khăn. Lực lượng cảnh sát 425 người của thành phố bị giảm biên chế 25% và hậu quả là làn sóng tội phạm tăng mạnh, với con số kỷ lục 58 vụ giết người trong năm 2011.
“Chúng tôi đã cắt giảm đến tận xương”, Thị trưởng Stockton, bà Ann Johnson nói, “Chẳng còn gì để mà giảm nữa. Chúng tôi sẽ chỉ duy trì những dịch vụ cơ bản nhất”.
Các quan chức Stockton hiện đang tìm cách thương lượng với các chủ nợ về khoản nợ 350 triệu USD từ trái phiếu. Và nếu cuộc thương lượng, diễn ra ngày 25/6 (giờ Mỹ), thất bại, Stockton chỉ còn cách đệ đơn xin phá sản vào ngày hôm sau.
Trong khi đó, cách bến du thuyền không đầy một dặm là một hàng dài người xếp hàng trước cửa ngân hàng lương thực của Stockton khi còn 90 phút nữa mới tới giờ mở cửa. Hiện tại, mỗi ngày có tới hơn 400 người dân xếp hàng chờ được phát một hộp thực phẩm.
Bà Denene Howland, 45 tuổi, đã tạm gác lòng kiêu hãnh của mình để lần đầu tiên đến ngân hàng “phát chẩn” này. Năm 2005, hai vợ chồng bà mua căn hộ hai buồng ngủ của mình với giá 215.000 USD. Ngôi nhà đã bị ngân hàng tịch thu năm 2009. “Chúng tôi không thể trả được nợ. Khi ngôi nhà bị thu, một người đã mua lại nó với giá 60.000 USD”, bà Denene buồn rầu kể lại.
Trong lúc thành phố đang chờ đợi phán quyết phá sản, thị trưởng Johnston chỉ còn biết thở dài: “Cuộc suy thoái này đã kéo tất cả xuống và chúng ta đang ở dưới đáy”.
Theo Tin tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo